Y như là gió!

Minh họa: Đỗ Phấn
Minh họa: Đỗ Phấn
TP - Đi qua nửa đời, tôi không có gì để kể về đời mình, ngoài những chuyến đi. Đi như là định mệnh. Lang thang như là kẻ vô gia cư, không biết đâu là bến là bờ, không biết đâu là ngày trở lại. Trên chiếc Win cũ mèm của mình tôi đã như mây trời, trôi đi hơn 10 năm. Tháng ngày cứ đằng đẵng chân mây.

> Đợi trăm năm

Đất nước Việt Nam nếu đi bằng chân thì có khi chỉ vài năm là hết, nhưng nếu đi bằng não thì cả đời vẫn chưa khám phá hết. Những tầng sâu văn hóa của con người, cả đời lang thang vẫn chưa thôi hết ngỡ ngàng kinh ngạc, những hằng số bí ẩn vẫn còn mãi băn khoăn lời giải mã.

Có một chuyến đi trong muôn ngàn chuyến đi phượt độc hành của tôi làm tôi nhớ mãi khôn nguôi. Bởi nơi đó tôi gặp lại phiên bản tan vỡ của đời mình.

Thị trấn TD, cách Hà Nội chưa đầy 100 km mà ngỡ như lạc bước vào một hành trình xa thẳm nào. Thị trấn, những biệt thự cổ từ thời Pháp để lại nằm cheo leo trên những lưng sườn đèo.

Núi cao ngàn năm tuổi xanh một màu xanh thời gian bất tận. Những cánh rừng nguyên sinh may mắn chưa bị con người đặt dấu chấm hết, bạt ngàn bao la. Và gió.

Tôi chưa bao giờ thấy ở đâu gió nhiều như thế! Gió thổi quanh năm ngày tháng, từng giờ từng giây những cơn bão không khi nào ngưng thổi hay nguôi ngoai. Nơi đây không có mùa hè.

Quanh năm mùa đông. Quanh năm sương mù che phủ. Người đi không rõ mặt. Khách du lịch đến đây đều muốn ở lại suốt đời, đều không muốn quay về.

Muốn thoát khỏi thành phố với nhịp sống điên cuồng rồ dại. Nhưng không ai đủ dũng cảm để từ bỏ hay buông xả tất cả. Họ quá nhiều thứ dây rợ vướng víu xung quanh cuộc đời ngắn ngủi mà mệt mỏi chán chường của họ.

Kể cũng đáng thương! Chẳng ai như mình. Muốn là đi. Muốn là ở. Tự do như gió! Dù biết rằng để được tự do phải mất mát nhiều thứ lắm!

Tôi bắt đầu thấy yêu mến cái thị trấn đìu hiu này. Nó gợi cho tôi nhớ đến những ngày tháng xưa cũ vô cùng của tuổi ấu thơ, nhớ tới một miền đất mà đã lâu lắm gót chân phiêu lãng của tôi chưa quay lại dừng chân. Đấy là quê hương xa thẳm của tôi. Cũng đèo heo hút gió, cũng như thực như mơ cuộc sống này!

Đêm cuối cùng tôi mò ra quán rượu làm một vài chén gọi là chia tay không hẹn ngày trở lại miền yên tĩnh này. Đất nước còn nhiều nơi đang đợi bàn chân miệt mài khám phá của tôi. Tôi còn nợ cuộc đời nhiều lắm, những chuyến đi xa ngái.

Thị trấn mất điện. Quán tù mù. Ngọn đèn dầu không đủ soi rõ mặt mình. Nhưng thôi, điều đó chẳng quan trọng. Có khi như thế lại hay ho. Trời đổ mưa.

Mưa với gió làm cho cảnh đêm nay thêm hư ảo. Tôi uống. Lâng lâng, chẳng biết mình say hay tỉnh nữa. Quán vắng. Có một vài người vào rồi lại đi sau những chén rượu cay tiêu sầu.

Góc quán hình như còn một vị khách. Ông ta uống một mình, cũng như tôi, lặng lẽ âm thầm. Đột nhiên ông ta hát.

Tôi bàng hoàng! Giọng hát ấy, bài hát ấy đích thị là bài hát là giọng nói của những người quê hương tôi. Không thể lẫn vào đâu cái chất giọng đặc trưng ấy.

Bài hát về nỗi nhớ không bao giờ nguôi ngoai, những cánh đồng ruộng bậc thang, những khu rừng cổ tích, dòng suối ngọt ngào, những đỉnh núi quanh năm mờ sương và những phiên chợ tình ngây ngất.

Ta đâu phải là gió

Đã đi là đi mãi

Vẫn còn đây, trong tim tôi

Hình bóng quê nhà...

Cô em

Ta lang thang tìm em

Suốt đời mà thôi.

Người đàn ông hát và hình như ông ta khóc. Tôi thấy một trái tim vỡ tan nát như xác pháo trong những câu hát nhòe lệ của ông ta.

Tôi quay sang bắt chuyện với ông ta bằng chính cái giọng của quê hương mình mà đã lâu lắm tôi không sử dụng vì nó rất khó nghe.

Cứ ngỡ ông ta sẽ vồ vập lấy tôi vì tình đồng hương nơi đất khách quê người, nhưng không. Sau những thoáng giây kinh ngạc sững sờ ông ta nói với tôi bằng một chất giọng khác. Rằng đó chỉ là một bài dân ca trong muôn vàn bài hát mà ông ta biết.

Rằng đó là một miền đất ông không bao giờ muốn đến. Và ông có thể nói hàng chục thứ giọng nói khác nhau trên dải đất hình chữ S này. Rồi ông bước đi như chạy ra khỏi quán.

Thẫn thờ mất vài giây, tôi chạy theo ông ta. Bằng linh cảm của mình tôi tin chắc ông ấy chính là người cùng quê với tôi. Trăm phần trăm.

Một nghệ sỹ tài hoa đến mấy cũng không thể nhái giọng hay hát được bài dân ca trứ danh ấy nếu ông ta không sinh ra và lớn lên ở miền quê ấy.

Không được uống nước từ dòng suối ngọt ngào, không yêu thương miền đất ấy không thể hồn vía trong từng câu chữ của bài hát ấy được.

Nhưng ông ta như đã biến mất vào màn đêm dày đặc sương và ngập tràn gió cũng những hạt mưa cứ rơi mãi như không ngừng.

Đêm ấy dù đã say nhưng tôi vẫn không ngủ được. Tôi nằm, mắt mở, nghiêng người nhìn ra ngoài. Màn đêm. Sương mù. Gió. Người đàn ông xa lạ với bài hát nao lòng quen thuộc bỗng vang lên, rành rọt rõ chữ, gõ vào tim tôi những nhịp đập miên man khắc khoải.

Bỗng nhiên tôi thấy nhớ quê hương. Nhớ miền đất tôi đã bỏ đi, lâu lắm rồi. Thấy mình là đứa con hư hỏng, là kẻ vô tâm vô tính, là kẻ phản bội đất mẹ yêu thương.

Đột nhiên đôi chân đi hoang của tôi bỗng muốn quay về!

Hôm sau tôi cưỡi con xe Win về quê hương. Vượt một chặng đuờng hơn 1.000 km sau hai ngày hai đêm tôi đã về lại nơi tôi xuất phát sau hơn chục năm biền biệt.

Bố mẹ và người thân tôi khóc ngất lên vì sung sướng. Họ không nghĩ là sẽ có ngày tôi trở về. Họ nghĩ là tôi đã bỏ xác nơi nào hoặc ít nhất là bị bán sang nước ngoài làm nô lệ công nhân như đài báo hay ti vi đã cảnh báo. Và lần này họ nhất định không cho tôi đi nữa.

Ở nhà ư? Rồi sẽ lấy vợ sinh con như bao người khác quê tôi? Sống một đời quẩn quanh trong tổ? Đôi chân đã quen đi hoang như tôi liệu có chịu nổi cảnh tù túng? Tôi âu lo căng thẳng từng phút giây, nghĩ một lúc nào đó mình sẽ biến mất, ra đi lặng lẽ như hôm nào. Như gió như mây!

Rồi một đêm, nằm trên võng, say say tỉnh tỉnh, tôi nhìn ra ngoài trời. Một đêm không trăng không sao, mưa hoang không mùa đổ xuống, lúc khoan lúc nhặt và gió, như từ trên cao đổ xuống ào ào. Cây cối vặn mình răng rắc. Khi ấy tôi bỗng nhớ TD.

Khung cảnh hệt như TD ngày nào bàn chân tôi thiên di đến. Người đàn ông xa lạ với bài hát dân ca nức nở lại nghẹn ngào vang lên.

Tôi vùng dậy vào nhà kể cho cha tôi nghe câu chuyện lạ lùng tưởng như đã lãng quên ấy. Cha tôi ôm mặt.

Một bí mật sau bao nhiêu năm trời được vén lên. Nỗi đau tưởng vùi sâu chôn chặt giờ bỗng lộ thiên vỡ òa.

Đêm ấy tôi mới biết, tôi còn có một người chú. Ông ấy đã ra đi gần 30 năm không một vết tích để lại. 30 năm về trước, chú tôi yêu thương một người đàn bà cùng bản.

Nhưng vì nhà nghèo nên chú không thể nào đi tiếp cuộc tình như mơ ấy được. Nhà gái thách cưới quá cao. Không có tiền chú tôi lao vào buôn bán thuốc phiện với những người bên kia bên giới.

Việc bại lộ, chú tôi nằm trong tầm ngắm truy nã của cả hai bên. Một đêm chú tôi biến mất như chưa bao giờ tồn tại, để lại sau lưng mình, quê hương, người thân yêu ruột thịt và mối tình đẹp như trong phim với thiếu nữ đẹp nhất bản.

Gia đình biệt tăm chú từ đó. Tôi ra đời sau đúng hôm chú mất tích. Không muốn chuyện cũ làm đau lòng thế hệ sau, gia đình tôi giấu biệt chuyện này.

Cha tôi khẳng định người đàn ông ấy chính là chú tôi, bởi bài hát ấy là bài hát của gia đình. Thế hệ đi trước truyền lại cho thế hệ sau như lời hát ru như lời nhắn nhủ tới mai sau, rằng hãy yêu thương và đừng bao giờ quên nơi mình đã chôn nhau cắt rốn.

Hôm sau tôi và cha tôi tức tốc lên đường. Không ai biết mục đích của chuyến đi.

Chúng tôi về lại thị trấn TD, tìm lại dấu tích của chú tôi. Không thấy chú. Người ta bảo chú đã ra đi cách đây gần hai tháng, nghĩa là sau hôm tôi rời khỏi thị trấn hai ngày.

Căn phòng chú ở đồ đạc vẫn còn như nguyên vẹn, đặc biệt trên tường rất nhiều những bức hình họa vẽ bằng bút chì nhưng không kém phần sinh động và tài hoa.

Chú vẽ phong cảnh quê hương tôi, chân dung những người thân trong dòng họ gia đình và đặc biệt hình một thiếu nữ người Mông rất đẹp giữa cánh đồng hoa dại.

Tôi như bị mê dụ bởi đôi mắt của người con gái ấy. Đôi mắt buồn như muốn khóc và long lanh như biết nói. Cha tôi bảo đó chính là người yêu năm xưa của chú.

Chúng tôi trở về và biết mình lại mất chú một lần nữa. Chú như cánh chim còn mải mê phiêu du hay chạy trốn tới những miền xa xôi khác.

Theo chỉ dẫn của cha, tôi tìm đến nhà người đàn bà đã làm cuộc đời chú tôi tan nát. Bà tiếp tôi trong một căn phòng khá sang trọng. Nhà không có ai. Mọi người đi làm hay đi đâu vắng cả.

Vẫn gương mặt đẹp như trăng rằm, vẫn đôi mắt buồn long lanh lệ. Bà tiếp tôi ân cần chu đáo. Khi tôi nhắc đến tên chú tôi. Bà thoáng chút thảng thốt giật mình nhưng sau đó lấy lại được ngay bình tĩnh.

Dường như trong trái tim bà đã lãng quên chuyện tình năm xưa. Bà bảo bà sống hạnh phúc lắm, mà khi hạnh phúc người ta không nhớ nhiều về quá khứ, với lại bà bảo cũng già rồi, hay quên lắm, mỗi ngày một ít, con cháu lại đông đúc khiến cho bà không rảnh lấy một giây.

Tôi thất vọng chào bà rồi ra về. Lòng tự hỏi một người lạnh tâm, vô tình thế kia làm sao mà chú lại có thể bỏ cả một đời cho một điều vô giá trị ấy nhỉ?

Nhưng khi tôi đi một đoạn khá xa, bất chợt thấy bà hổn hển chạy theo tôi. Bà đưa cho tôi một xấp giấy đã cũ mèm bảo rằng nếu gặp ông ấy hãy đưa tận tay hộ bà, rằng hãy quên bà ấy đi, rằng bà đang hạnh phúc lắm lắm. Rồi bà quay đầu đi như chạy vấp ngã liên tục.

Tôi bần thần giở những tờ giấy ra và không tin vào mắt mình. Những bức ký họa chân dung bà thủa thiếu nữ. Nét vẽ đẹp tinh tế và đầy cảm xúc của một tâm trạng đang yêu mê say đắm. Những bức họa giống hệt như những bức vẽ trong căn phòng trọ của chú ở thị trấn TD.

Bên bờ rào đá, bà, gục mặt xuống bàn tay, nức nở, nghẹn ngào. Hình như bà ấy khóc.Vì sao lại khóc?

Trái tim tôi chùng xuống và buốt đi vài nhịp.

Tôi biết mình đã sai và mơ hồ hiểu ra rằng vì sao chú tôi lại như thế, vì sao chú lại không thể trở về quê hương tôi dù năm tháng đã bôi xóa mọi chuyện.

Có thể trong tim chú và trong tim người đàn bà kia, mọi chuyện năm xưa vẫn còn nguyên.

Từ nhà tôi đến nhà bà, một quãng đường có bao xa!

Hơn cả cái chết, hơn nỗi sợ mơ hồ về một bản án đã hết hiệu lực bởi thời gian quá ư là dài. Kẻ thù, những người thi hành án hẳn đã về với đất sâu tự năm tháng nào!

Chính bà đã là nguyên nhân mang cuộc đời chú tôi đi mãi không về!

Tôi về nhà lặng lẽ xếp balô, nói với cha tôi rằng, hãy để tôi ra đi dọc dài đất nước này tìm lại chú tôi. Cha mẹ không ngăn cản mà âm thầm gạt nước mắt tiễn tôi ra đầu bản.

Chiếc xe Win lại lao mình trong nắng, trên những con đường nằm lặng lẽ quanh co dưới màu xanh của rừng núi âm u như con tuấn mã. Quê hương bản làng dần lùi xa mãi.

Tôi cứ đi mãi đi mãi. Linh cảm phía cuối con đường có một người đang đợi chờ chứ không chạy trốn tôi nữa.

Đôi mắt như cười và đôi bàn tay cứ vẫy gọi mãi khôn nguôi.

Khi ấy tôi sẽ nói với chú rằng, không ai có thể sống hay chết vì quá khứ được mãi. Bởi phía trước là biết bao ngày mai với những điều mới lạ bất ngờ đang đợi chờ chúng ta.

Hẳn chú sẽ gật đầu đồng ý mà leo lên chiếc xe dã chiến này, quay lại với cuộc đời, sống lại với đoạn đường nhân sinh không còn dài nữa.

Với quê hương còn lại của cả hai chú cháu và những gì đã xưa cũ vô cùng!

Truyện ngắn của Kao Nguyên

Y như là gió! ảnh 1
 

Người ta có thể gặp Kao Nguyên ở mọi nơi, và gã cũng có thể biến mất bất cứ lúc nào, ném mình vào những chuyến đi. Gã tự nhận: mải chơi thì không ai bằng!

Thuộc thế hệ 7x, mê văn chương từ nhỏ, thời học sinh gã đã 3 lần đoạt giải môn văn Quốc gia, nhưng rồi gã vẫn lận đận trên con đường văn chương chữ nghĩa (và nhiều con đường khác).

Tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Sử và ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, gã lao mình vào cuộc mưu sinh với đủ các loại ngành nghề, trong đó có việc viết kịch bản phim.

Cuốn tiểu thuyết “Nhật ký chân dài” 200 trang đã hoàn tất, chưa in; còn “Nhật ký xe Win” thì vẫn đang tạm dừng ở trang 198…

Vì sao những gì Kao Nguyên viết đều có chữ “Nhật ký”? Có lẽ đó là tạng của gã, bởi gã viết cái gì cũng như đang viết về mình. Dù là truyện ngắn, tản văn, tạp văn hay tiểu thuyết… tất cả đều như rút từ gan ruột mà ra.

Đọc Kao Nguyên, thấy hóa ra, gã không nông như cái vẻ ngoài của gã.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG