Yêu thơ chẳng ngại thứ Hai đầu tuần...

Yêu thơ chẳng ngại thứ Hai đầu tuần...
TP - Văn Miếu trong Ngày Thơ như một không gian kín, bên ngoài xe cộ chen chúc đi làm “thứ Hai là ngày đầu tuần”, bên trong là cả một cộng đồng “những người điên” còn sót lại – những người yêu thơ hoặc vẫn tò mò về thơ.

Suốt cả 364 ngày một năm, lúc nào cũng nghe những người làm thơ than thở rằng loại hình nghệ thuật mình theo đuổi chịu thiệt thòi vì bị các phương tiện xem-nghe-đọc hiện đại khác cạnh tranh, chẳng ai quan tâm đến thơ nữa.

Vậy mà năm nào, vào đúng ngày Tết Nguyên Tiêu, những người đến dự Ngày Thơ Việt Nam tại Quốc Tử Giám cũng nhìn cái đám đông – trong đó có mình - ùn ùn đổ vào mỗi lúc một đông mà thắc mắc: “Sao mà lắm người yêu thơ thế nhỉ!”.

Vẫn như mọi năm, bên ngoài là một “sân thơ già” với màu đỏ là chủ đạo và phải gánh vác bao nhiêu việc nghi thức, bên trong là “sân thơ trẻ” được ưu đãi rộng rãi hơn cả về không gian lẫn trong việc chọn đề tài.

Sân thơ trẻ năm nay có cái tên “hợp thời” 360o! Thơ làm những người tham dự không dùng vi tính có hơi thắc mắc, còn những người vẫn dùng Yahoo 360! như đều mang máng hiểu, 360o! là thời đại “mạng”, là “đi mãi rồi cũng quay về Thơ”, là đủ mọi thử nghiệm cho một bộ môn tưởng là rộng rãi khoáng đạt mà thật ra lại rất khắt khe.

Mới 7 giờ 30’ mà đã có người đứng đọc trước những poster tác giả trong sân. Poster giới thiệu 12 tác giả trẻ (cũng có người đã hơn 40 tuổi) có tập thơ gây tiếng vang hoặc được giải thưởng thơ năm qua.

Tuổi trẻ!... Họ có sự ngông cuồng của mình mà những lớn tuổi nhìn đã biết, rồi sau này họ sẽ ngượng vì sao có lúc mình trẻ thế, vui thế, thật thế, và ngông thế.

Trên poster, một Dương Anh Xuân phóng xe cào cào, đẹp như minh tinh; một Nguyễn Thế Hoàng Linh dám đưa cái ảnh ngồi như anh chăn vịt yêu đời mà những kẻ đạo mạo như chúng ta đây sẽ phải ỉm đi; một Đỗ Doãn Phương cười phà phà bên ấm trà…

Có thể thấy mỗi tấm poster là một thành công trong việc tìm hình thức biểu đạt ăn khớp với “chất thơ” của từng tác giả. Đám đông – mà phần lớn là sinh viên – thi nhau đứng chụp ảnh bên những bức poster tác giả rồi chăm chú chép thơ trên đó.

Những vần thơ ấy có thể làm những người đọc thơ truyền thống băn khoăn, nhưng đám “cây đời xanh tươi” túm tụm ghi chép đằng kia là câu trả lời hùng hồn: “Thơ mỗi thời mỗi khác”.

Họ chép những câu đơn giản, giả nghiêm trang mà lại bông đùa, không có “chữ”:

Thế nào là hòa bình
Là mỗi người đều biết
Yêu đời như ghét mình

(Nguyễn Thế Hoàng Linh)

Hay những câu đầu “chữ”, phức tạp:

Anh khởi đầu từ chữ “Trặm”, và bị dẫn đến kết cục tất yếu của chữ “Mẩy”, ghé qua chữ “Hơn”. Anh tiếp tục đi tìm về những chữ mà nghĩa của nó chỉ như một cái chết phi lý, như chữ “Mẵng” chẳng hạn, đó có thể là một âm, một tiếng, một tiếng vọng, một lỗi đánh máy…Thế nhưng nó đã vang lên như thế; “Mẵng”, “Mẵng”, “ Mẵng”. Và vì sự vang lên ấy, anh sẽ buộc phải chấp nhận hiện diện của nó.

(Như Huy)

Hay trần trụi:

Tôi ngửi thấy mùi thịt chó
Khi vào bếp thấy củ riềng
Ngửi thấy mùi thời gian rữa
Khi dần mất những thiêng liêng

(Nguyễn Thế Hoàng Linh)

Hay thiết tha phụ nữ, nhưng phụ nữ hiện đại:

Cà phê vỉa hè
Một mình nói một mình nghe
Chiều cao áp
Anh có biết
Đôi khi em là quãng lặng trong bài hát?
Đôi khi em
    một nốt câm trong bài hát?...

(Nguyệt Phạm)

“Các ông nhà thơ kễnh cũng chưa bao giờ được giới thiệu trang trọng thế này!” Một ông bạn nhà thơ nhận xét khi đứng trước dãy poster “khổng lồ”: mỗi tác giả chiếm một chiều dài phải đến 3m! Đừng đong đếm thế, ông bạn! Tuổi trẻ là được quyền đeo kính phóng đại, là đã tôn vinh người làm thơ thì phải làm cho tới nơi tới chốn, dù người ấy còn rất trẻ, dù thơ có còn non nớt; chỉ có 4 tiếng một sáng thứ Hai thôi, rồi đọng lại được hay không thì đường còn rất dài mà!

... và kiêu hãnh xén bớt cái “tôi”

Một sân khấu rất đẹp trong sân, và khán giả lục tục kéo vào lấp đầy sau khi “sân già” đã xong phần khai mạc. Tâm lý người đi xem đọc thơ vốn phẳng lặng, an bình, đoán chương trình sẽ lần lượt từng người lên đọc, cúi chào, giới thiệu, lại đọc, lại cúi chào…

Nhưng năm nay sân khấu thơ Trẻ không đọc theo lối ấy, mà các bài thơ được đan cài vào nhau. Tám nhà thơ trẻ đồng phục áo nâu quần bò chân đất phối hợp chặt chẽ và kỷ luật, cùng xé tan những bài thơ độc lập của mình ra thành từng đoạn, đem trộn nó với những đoạn thơ người khác, để thành như một màn (như) kịch thơ.

Dù rằng sau phần Chào MừngMùa Gieo Vần tương đối ấn tượng thì phần Mùa Sống và Yêu bắt đầu dàn trải với việc đối đáp thơ, cũng như việc các nhà thơ hơi thiếu tiết chế trong cách diễn, nhưng cái làm cho những người xem lớn tuổi (nhất là những người có làm thơ) phải ngạc nhiên: tưởng nhà thơ trẻ họ ngông nghênh lắm kia mà? Dễ gì đứng diễn cùng nhau?

Tưởng họ yêu thơ mình lắm cơ mà, dễ gì chịu cho cắt nát thơ ra, đọc xen kẽ mà không cần phải rành mạch câu này của tôi câu này của bạn? Họ kiêu căng thế, nhập tâm thơ của bản thân đã đành, sao lại có thể nhập cả thơ bạn đồng diễn đến thế?...

Bên cạnh, một vài người rỉ tai nhau, sao không thấy cao trào, sao nghe thơ thấy lắm hồi ức những sắn khoai với cánh đồng; sao vần điệu cứ du dương khiến đôi lúc nghe như đoạn nói trong một vở chèo… Nhưng cũng có không ít người chăm chú xem, và thấy đọc thơ có lớp lang và bố cục đan xen là mang lại chiều sâu của không gian thơ quảng trường.

Rồi lại có người thấy việc bò toài, đeo mặt nạ, đứng nghiêng và đi đi lại lại thay vì cầm micro đứng thẳng trước khán giả… chỉ là hình thức, không đủ che được cái non nớt và nhẹ cân của thơ trẻ năm nay. Nhưng thế thì hình thức nào đây ông bạn ơi?

Năm nay cánh đồng thơ trẻ chúng ta gặt được một vụ như thế thì ta nấu nồi cơm như thế, đâu phải vì thơ còn non mà nhà thơ chỉ được phép đứng thẳng cấm nghiêng người? Cứ để các bạn trẻ ấy cùng làm cái gì mà họ thấy vui nhất, thích hợp nhất với thơ của họ.

Rồi 360o, thể nào cũng đến lúc họ già như chúng ta, bảo đứng cạnh nhau cũng không chịu đứng, bảo nhường nhau đọc trước đọc sau cũng đã có vấn đề!

Nhưng chắc chắn, giữa một không gian mở và ồn ào như sân Thái Học, với những bài thơ tình cảm nhiều hoài cảm thế này, lối đọc thơ như sân khấu năm nay nay bắt buộc phải đối diện với những điểm yếu của nó.

Giá như lúc chuẩn bị các bạn ý thức hơn về sự náo nhiệt của đám đông, để khi lên sân khấu những giọng nữ bớt du dương, những giọng thơ nam gai góc hơn, những bài thơ được chọn cũng cần mạnh mẽ và khác biệt nhau hơn.

Giá như MC tỏ ra cá tính hơn, dí dỏm và hoạt náo hơn, lời dẫn bớt những từ đẹp đẽ an toàn mà đời thường hơn…thì sân thơ Trẻ đã không có những lúc nghe hơi… cũ.

Nhưng dù một chương trình sân khấu chưa được hoàn hảo đầy cao trào bốc lửa, một sân poster chưa được lộng lẫy như triển lãm, nhưng những gì các bạn nhà thơ trẻ làm được năm nay là cả một khẳng định độ bền bỉ và tiến bộ của những người thực hiện.

Bảy mùa rồi, nhìn nườm nượp khán giả già cũng như trẻ kéo đến sân Thái Học, vui vì thấy người hâm mộ thơ không bao giờ thiếu, mà tự nhiên buồn khi ngoảnh qua ngoảnh lại, thấy có mấy nhà thơ trẻ vài năm trước đi trong sân còn trẻ thế, mà năm nay đã thấy thành trung niên điềm đạm mất rồi!

Nguyên Tiêu Kỷ Sửu

MỚI - NÓNG