'Yêu' trên... sân khấu !

'Yêu' trên... sân khấu !
Từ việc mạnh dạn thể hiện những cảnh yêu đương giống như thật trên sân khấu và tạo ra hiệu quả tốt, các đạo diễn khác cũng mạnh tay cho các diễn viên thể hiện những cách "yêu" trên sân khấu...
'Yêu' trên... sân khấu ! ảnh 1
Vở kịch báo cáo tốt nghiệp Lòng tin bị đánh cắp của  đạo diễn Thế Sơn. Kịch: Thanh Hương. Ảnh: TGNS

Một bức rèm trắng thả từ trên cao xuống. Đèn sân khấu mờ dần xung quanh, chỉ tập trung ánh sáng hồng vào chỗ bức rèm. Hai thân thể quấn vào nhau. Bốn cánh tay giơ cao lên, chạm nhẹ vào nhau và bắt đầu uốn lượn. Diễn viên bắt đầu dùng hình thể để thể hiện cảnh "yêu"...

Đó là cách mà đạo diễn thường xử lý để diễn tả những cảnh "nóng" trên sân khấu... Nhưng giờ đây, những chuyện này đã khác xưa rồi.

Khi thời cơ đến

So với diện ảnh, sân khấu có một ưu điểm vượt trội là sự giao lưu trực tiếp với khán giả. Tất cả những gì xảy ra trên sân khấu đều tác động trực tiếp đến người xem, chứ không thông qua màn ảnh như điện ảnh. Nhưng cũng chính điểm đặc thù này lại chính là áp lực vô hình tạo ra rào cản, cái "khóa" cho những đạo diễn mỗi khi thể hiện những cảnh yêu đương trên sân khấu.

Chuyện yêu đương, âu yếm nhau, vốn được dân ta xem là chuyện tế nhị, thể hiện gì cũng phải có chừng có mực, nhẹ nhẹ thì được, làm quá sẽ đi ngược lại những thuần phong mỹ tục Việt Nam. Khổ ở chỗ là vở kịch nào cũng đề cập tới vấn đề tình yêu, không nhiều thì ít. Khán giả vừa tò mò muốn xem những cảnh "nóng" trên sân khấu, nhưng đồng thời không ít người cũng "nả đạn" phê phán những "xen" đó.

Cho nên, các đạo diễn thường chọn giải pháp an toàn, dùng hình thể diễn viên để xử lý những cảnh yêu đương trên sân khấu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cách nhìn của người xem cũng thoáng hơn, vì thế, đạo diễn cũng mạnh dạn dàn dựng những cảnh yêu đương trên sân khấu.

Đi đầu trong việc dựng những cảnh yêu đương gần giống như thật là đạo diễn Ái Như, bắt đầu từ vở Thử yêu lần nữa. Chị đã tạo ra một không gian thật về cuộc sống gia đình. Ở đó, tất cả những diễn viên đều thể hiện nhân vật, đi đứng nói năng và những cử chỉ biểu hiện y như là họ đang ở nhà.

Đặc biệt, chị rất chú trọng đến chi tiết biểu hiện tình cảm vợ chồng qua những cử chỉ thân mật, gần gũi, âu yếm. Chị đã cho các diễn viên hôn nhau thật trên sân khấu, không phải đầy tính "ước lệ cổ điển" nữa.

Chưa hết, sang đến phần 3 với tên gọi Cảm ơn mình đã yêu em, khi nhân vật Bích Hồng (Hồng Ánh) bị bệnh ung thư đang hoại tử vùng ngực, đạo diễn đã xử lý để cho người chồng (NSƯT Thành Hội) tới cởi nút áo ra và tựa đầu hôn vào ngực vợ.

Với cách dàn dựng này, hiệu quả vở diễn tăng lên đáng kể, khiến người xem rất xúc động trước tình cảm mặn nồng của vợ chồng họ. Khán phòng bật lên những tiếng nấc, những tiếng sụt sùi...

'Yêu' trên... sân khấu ! ảnh 2

Vở Hãy khóc đi em, chị cũng đã có những cách xử lý mạnh mẽ như thế, nhưng lại mang một "gam" màu khác. Nhân vật chính của vở kịch là ông Tính, một kẻ xảo trá nhưng khoác lên mình một chiếc áo đạo đức.

Ông ta lừa dối vợ, đi ngoại tình với kẻ khác, nhưng khi đối diện với vợ, ông tỏ vẻ là một người rất thành thực và thương yêu vợ vô cùng. "Tam niên vô tử bất thành thê", không thể sinh con, vợ ông đã tìm một cô gái trẻ cưới về cho ông.

Giả bộ thương yêu vợ lắm, ông phản đối kịch liệt. Ở cảnh này, nhân vật Tính (NSƯT Thành Lộc) đè người vợ (Thanh Thủy) và "lăn lộn" ngay trên sân khấu.

Với cách xử lý này, đạo diễn đã lột tả được bản chất gian xảo của tên Tính và đẩy cái nỗi đau của người vợ lên đến tột cùng khi chị phát hiện ra sự thật.

Và bùng nổ như... xi-nê

'Yêu' trên... sân khấu ! ảnh 3
Sân khấu cũng cần những cảnh "nóng" khi yêu.

Trong vở Cõi tình (tác giả: Huỳnh Phúc Điền) đạo diễn Công Ninh đã cho Mỹ Uyên (vai Mai) cởi áo luôn trên sân khấu và đưa nguyên cái lưng trần ra trước khán giả khi chuẩn bị cùng chồng ân ái.

Hay trong vở Chuyện tình mùa thu (tác giả: Sĩ Hanh) đạo diễn Đức Thịnh  để cho Hòa Hiệp (vai người yêu của Thu Hương) có những cử chỉ âu yếm, mơn trớn với người yêu sau những phút ân ái.

Cũng Hòa Hiệp, âu yếm Thanh Thúy trong vở Làm người ai làm thế; Lam Phương dịu dàng trên ngực Thái Hòa trong Người nhà quê; Tiết Cương và Xuân Thùy trong vở Quỷ...

Nhưng, nói đến cách thể hiện yêu đương nóng bỏng trên sân khấu, phải kể đến vở Lòng tin bị đánh cắp của tác giả Thanh Hương do Thế Sơn đạo diễn, trong bài thi tốt nghiệp đạo diễn ở trường SKĐA TP.HCM.

Anh đã xử lý để cho các diễn viên mặc áo da bó sát người và làm tình trên cái bàn, với cách biểu hiện động tác y như thực. Qua cách dựng này, người xem hiểu cảnh này cốt là để thể hiện hai người như là những con rối đang bị cuộc đời cuốn trôi vào cái vòng lẩn quẩn tiền tình tù tội.

Thế nhưng, khi bị Hội đồng giám khảo chất vấn, anh không giải trình được và bị chấm điểm rất thấp. Bị "sốc" trước số điểm mà ban giám khảo cho, anh phải vào bệnh viện.

Có thể nói, việc thể hiện thật những cảnh yêu đương trên sân khấu là một xu thế tất yếu và sẽ còn đẩy mạnh trong tương lai. Tuy nhiên, thể hiện những cảnh đó mạnh mẽ và thật đến mức nào, đó là điều mà các diễn viên cần phải cân nhắc.

Vì sự tiếp nhận trên sân khấu là sự tiếp nhận trực tiếp, nếu dựng không khéo sẽ dễ đi đến phản cảm và phơi bày cái dung tục trên sân khấu. Và cũng tính đến tâm lý xem kịch của phần đông khán giả Việt, nhất là những tối cuối tuần không thiếu bóng dáng trẻ con, dù các sân khấu có ghi không giải quyết trẻ em (dưới bao nhiêu tuổi còn tùy ở mỗi sân khấu).

Chưa nhiều nhưng đã có, và nếu phát triển thêm nữa e rằng sắp đến lúc sân khấu phải thật sự phân loại sản phẩm của mình như phim ảnh đã làm.

Đạo diễn Ái Như: Khi dựng những cảnh yêu đương trên sân khấu, tôi không hề có ý nghĩ là để câu khách. Tôi chỉ muốn bằng cách nào đó, phải thể hiện hết những ý đồ sáng tạo của mình trên sân khấu và phải phù hợp với nội dung cần thể hiện.

Trong cuộc sống vợ chồng, dựng trên sân khấu mà không thể hiện những cử chỉ âu yếm, vuốt ve, mơn trớn là xem như thất bại. Bởi đó là những điều tối thiểu cần phải có. Tuy nhiên, nói như thế, không có nghĩa là tôi cho phép mình muốn thể hiện như thế nào cũng được.

Sân khấu cần có giới hạn của nó. Có nghĩa là cái thật đó chỉ xác định ở một mức độ nào đó, để người xem cảm nhận được, chứ không có nghĩa là thật hoàn toàn.

Diễn viên trong vở tôi dựng hôn nhau, khán giả xem thấy thật, nhưng trên thực tế, cảnh hôn nhau đó vẫn có khoảng cách. Các diễn viên chỉ môi chạm môi, chứ không hôn nhau thật như trên phim ảnh.

Mỹ Uyên: Mặc dù Uyên đã đóng phim rất nhiều, cũng thể hiện những cảnh yêu đương trên phim, nhưng khi diễn những cảnh yêu đương trên sân khấu, lúc đầu Uyên cũng thấy kỳ kỳ, ngại ngại sao đó.

Trên phim ảnh, quay ở phim trường, rồi mới chiếu, sự tiếp nhận của khán giả gián tiếp nên Uyên cảm thấy ít bị áp lực hơn. Còn trên sân khấu, hàng trăm con mắt nhìn mình trực tiếp... Nhưng rồi dần dần cũng quen, và nhất là biết khán giả chấp nhận những cảnh diễn của mình.

Theo Tuấn Thiện
Thế giới nghệ sĩ

MỚI - NÓNG