Rải thảm nhựa mặt đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên giữa trời mưa

Việc thi công sửa chữa đường Hà Nội - Thái Nguyên gặp sự cố trời mưa bất ngờ
Việc thi công sửa chữa đường Hà Nội - Thái Nguyên gặp sự cố trời mưa bất ngờ
TPO - Trong điều kiện thời tiết mưa, việc rải thảm nhựa, dùng xe lu mặt đường vẫn được tiến hành trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khiến nhiều người lo ngại về chất lượng công trình.

Theo hình ảnh của phóng viên Tiền Phong ghi lại, khoảng 15 giờ 20 phút ngày 9/7, tại khu vực km48 hướng trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, theo hướng từ Thái Nguyên về Hà Nội, đối diện KCN Điềm Thụy (Phú Bình, Thái Nguyên), trời mưa nhỏ, mặt đường có nước nhưng nhiều công nhân, máy móc vẫn đang thi công thảm lại mặt đường.

Về lý thuyết, việc thi công khi trời mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến độ kết dính giữa lớp cũ và mới thảm không đạt, nhựa nguội nhanh trước ngừng lu sẽ dẫn đến vỡ kết cấu mặt đường.

Trong chiều 9/7, PV Tiền Phong thông báo sự việc đến Ban Quản lý dự án 2 Bộ GTVT, đại diện Bộ GTVT làm chủ đầu tư tuyến đường này. Lãnh đạo Ban này đã liên hệ với đơn vị thi công tuyến đường, yêu cầu dừng thi công .

Rải thảm nhựa mặt đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên giữa trời mưa ảnh 1 Công nhân, máy móc vội vàng làm đường để chạy mưa nhưng chất lượng mặt đường vẫn phải kiểm định lại

Sáng 10/7, lãnh đạo đơn vị này cho biết đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra xác minh. “Báo cáo ban đầu cho biết, nhà thầu sau khi lấy bê tông nhựa tại trạm trộn gần đó đưa ra công trường. Lúc xe đến công trường, rải thảm thì chưa mưa. Nhưng rải nhựa xong, trong quá trình lu lèn, trời bất ngờ đổ mưa. Trước tình hình đó, đơn vị thi công vẫn quyết định lu tiếp để hoàn thiện mặt đường. Tuy nhiên, điều kiện thi công như vậy là rủi ro, chúng tôi sẽ lấy mẫu để xét nghiệm, nếu không đạt, nhà thầu thi công phải bóc lên làm lại.” – ông này giải thích.

Đại diện Ban Quản lý dự án 2 cho biết, công trường được đề cập đang tiến hành bóc, thảm lại các đoạn bị hằn lún, thi công từng đoạn từ 100- 200 m nên nếu có hư hỏng cũng không bị trên diện rộng. Kinh phí thi công là của nhà thầu, không phải của nhà nước nên nếu phải bóc phần thảm bị vướng mưa sẽ không tốn ngân sách.

“Dự án này bảo hành 4 năm nhưng đến nay đã được sử dụng 6 năm. Trước khi hết bảo hành, chúng tôi yêu cầu nhà thầu thảm lại các đoạn bị hằn lún mới được bàn giao, nhà thầu phải bỏ ra khoảng gần 200 tỷ đồng. Đây là cách làm quyết liệt, nhiều trách nhiệm của ngành GTVT. Riêng đoạn Tiền Phong phản ánh thi công có bị ảnh hưởng trời mưa, chúng tôi sẽ khoanh vùng, theo dõi lâu hơn, nếu hỏng bắt nhà thầu chịu trách nhiệm tiếp” - ông này nói.  

 Clip thi công đường khi mặt đường vẫn còn đọng nước

Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng chiều dài 63,8 km đi qua 3 địa phương là Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên, nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng mức đầu tư của dự án là 10.004 tỷ đồng trong đó phần vốn vay ODA Nhật Bản là 6.664 tỷ đồng. Điểm đầu của dự án thuộc địa phận xã Ninh Hiệp (Hà Nội) giao với Quốc lộ 1A mới. Điểm cuối nối vào điểm đầu của tuyến tránh Thái Nguyên thuộc địa phận tỉnh Thái Nguyên. Quy mô đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 100 km/h. Tuy nhiên, sau hơn mấy năm đưa vào khai thác, mặt đường đã xuất hiện nhiều đoạn hằn lún vệt bánh xe.
MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.