1001 thắc mắc: Chim kền kền bay mà không cần vỗ cánh?

1001 thắc mắc: Chim kền kền bay mà không cần vỗ cánh?
TPO - Loài kền kền có sải cánh lớn nhất thế giới - có thể bay lượn trong không trung tới hơn 160 km mà không cần phải đập cánh.

Một nghiên cứu mới đây đã làm sáng rõ về khả năng bay thực sự ấn tượng của loài kền kền khoang cổ (hay còn được gọi là "Thần ưng Andes"), khi chúng có thể bay trên không trung nhiều giờ đồng hồ mà không cần vỗ cánh.

Kền kền khoang cổ có sải cánh dài đến 3 mét và nặng tới 15kg, điều này khiến chúng trở thành loài chim biết bay có số cân nặng "khủng" nhất trên thế giới.

Một nhóm các nhà khoa học đã gắn thiết bị ghi âm mà họ gọi là “nhật ký hàng ngày” vào 8 con kền kền khoang cổ ở Patagonia để ghi lại tổng số nhịp vỗ cánh của chúng trong hơn 250 giờ bay.

Thật đáng kinh ngạc khi những con chim này chỉ dành 1% thời gian bay để vỗ cánh, và chủ yếu là trong lúc cất cánh. Một con chim đã bay hơn năm giờ, bao gồm hơn 100 dặm (160km), mà không hề thực hiện động tác vỗ đôi cánh của nó.

Giáo sư Emily Shepard - đồng tác giả nghiên cứu và cũng là nhà sinh vật học tại Đại học Swansea ở Wales, nói rằng: “Kền kền khoang cổ từ trước tới nay luôn được ví như những phi công chuyên nghiệp nhưng chúng tôi vẫn không thể ngờ rằng chúng lại gây ấn tượng đến vậy”.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.

David Lentink – nhà phi điểu học tại Đại học Stanford, người không tham gia nghiên cứu cho biết, về cơ bản, kền kền khoang cổ gần như không bao giờ đập cánh và chỉ dùng cánh để chao lượn trên không trung.

Đối với các loài chim, bầu trời không chỉ trống rỗng mà nó luôn chứa đựng vô số tác động vô hình: Những cơn gió mạnh, những luồng khí nóng và những luồng khí được đẩy lên bởi vật chất trên mặt đất như các ngọn núi. Học được cách điều khiển dòng không khí sẽ cho phép chúng di chuyển được một quãng đường dài khi bay mà không cần phải tiêu tốn nhiều năng lượng vào việc gắng sức đập cánh.

Theo Sergio Lambertucci - đồng tác giả nghiên cứu, nhà sinh vật học tại Đại học Quốc gia Comahue ở Argentina, kỹ năng bay tuyệt đỉnh của kền kền khoang cổ là điều thực sự cần thiết cho lối sống của loài chim chuyên ăn xác chết này,  vì việc tìm kiếm thức ăn đòi hỏi chúng phải bay hàng giờ trong một ngày để đi vòng quanh những ngọn núi cao. “Khi bạn nhìn thấy một con kền kền khoang cổ đang bay vòng tròn, tức là chúng đang tận dụng sự gia tăng nhiệt độ hoặc những luồng khí nóng”, ông nói.

Các thiết bị ghi âm đã được lập trình để tự rơi khỏi cơ thể những chú chim sau khoảng một tuần. Việc lấy chúng không hề dễ dàng. “Đôi khi các thiết bị rơi vào tổ chim trên những vách đá lớn ở giữa dãy núi Andes và chúng tôi cần ba ngày chỉ để đến đó”, Lambertucci chia sẻ.

Và những thú vị về loài chim này

Kền kền Andean là loài chim có kích thước khổng lồ trong số những loài chim lớn nhất thế giới có khả năng bay. Bởi vì có khối lượng lớn (lên tới 15kg), độ dài sải cánh là 3,05m. Vì lí do đó mà kền kền Andean thích sống trong những khu vực có nhiều gió, nơi chúng có thể bay lượn trên bầu trời mà không cần phải dùng nhiều sức lực.

Kền kền Andean được tìm thấy ở các khu vực có nhiều núi lớn, giống như tên của chúng, nhưng loài kền kền này cũng dễ dàng được tìm thấy ở gần các bờ biển, nơi có đủ gió và thậm chí là cả sa mạc nơi có luồng không khí lớn.

Những con kền kền Andean sống rất lâu. Các nhà khoa học đang nghiên cứu về tuổi thọ và tỉ lệ tử vong của loài chim này. Một số nghiên cứu cho thấy tuổi thọ trung bình của loài chim hoang dã này đã vượt quá 50 năm.

Năm 1983, Sách kỷ lục Guinness thế giới đã ghi nhận kền kền Andean là loài chim sống lâu nhất trong số các loài chim trên thế giới, chúng có thể tồn tại khoảng hơn 72 năm trong điều kiện bị nuôi nhốt, tính từ khi bị bắt từ tự nhiên khi vẫn là con non. Một con kền kền bị giam cầm khác theo báo cáo cũng đã sống được 71 năm.

Kền kền khoang cổ Andean là biểu tượng quốc gia của Argentina, Bolivia, Chile, Colombia, Ecuador, Peru và tiểu bang Andes của Venezuela. Nó đóng vai trò quan trọng trong văn hóa dân gian và thần thoại của khu vực Nam Mỹ, là đại diện trong nghệ thuật Andean và là một phần của người dân bản địa.

Trong thần thoại Andean, Kền kền khoang cổ gắn liền với thần mặt trời và được coi là người cai trị thế giới thượng lưu. Chúng được coi là biểu tượng của sức mạnh và sức khỏe của nền văn hóa Andes. Và người ta tin rằng, xương và các cơ quan nội tạng của kền kền Andean có thể dùng làm dược phẩm, điều đó dẫn đến việc săn bắn và giết hại các con kền kền khoang cổ để lấy xương và nội tạng.

Các con kền kền khoang cổ Andean có độ sải cánh lớn nhất trong số các loài chim.

Ngoài những con chim xuất hiện ở vùng núi phía bắc, ta còn bắt gặp kền kền Andean ở trên mặt biển ở phía nam Peru.

Kền kền đực có mắt màu nâu, còn con cái có mắt màu đỏ.

Kền kền Andean đực lớn hơn kền kền Andean cái, chúng không giống với hầu hết các loài chim săn mồi khác.

Video về loài kền kền khoang cổ:

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.