1001 thắc mắc: Lực lượng Alpha thiện chiến Nga dùng vũ khí gì?

1001 thắc mắc: Lực lượng Alpha thiện chiến Nga dùng vũ khí gì?
TPO - Lực lượng Alpha Spetsgruppa "A" là đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ của Cơ quan An ninh Liên bang Nga. Ngoài yếu tố con người và sự khổ luyện, các trang thiết bị tối tân và vũ khí siêu đẳng, trong đó có súng cá nhân… đã góp phần tạo nên chiến công và thương hiệu của lượng đặc nhiệm Alpha Nga.

Lực lượng thiện chiến khét tiếng

Lực lượng Alpha Spetsgruppa "A" là đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), chuyên chống khủng bố, ngăn chặn và đối phó các hành vi bạo lực trong giao thông công cộng và các tòa nhà. Alpha được thành lập ngày 28/7/1974 theo lệnh của Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) Yuri Andropov, sau vụ thảm sát Munich 1972 như một phản ứng đối với việc Tây Đức cho ra đời đơn vị cảnh sát chiến thuật Grenzschutzgruppe 9 (GSG 9) thuộc Cảnh sát Liên bang Đức.

Trong những năm 1980, Alpha được triển khai trong nước để đối phó với số lượng ngày càng tăng các vụ bắt con tin, chiếm giữ các tòa nhà. Đơn vị này cũng tham gia vào các cuộc xung đột sắc tộc trên khắp Liên bang Xô viết vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, là "mũi nhọn" trong các hoạt động phản gián của KGB, ngăn chặn các hoạt động tình báo thù địch trên lãnh thổ Liên Xô và bắt giữ các gián điệp của đối phương như điệp viên CIA Adolf Tolkachev năm 1985.

Alpha còn được giao những nhiệm vụ vượt xa phạm vi chính của nó. Ngày 27/12/1979, nhà lãnh đạo Liên Xô Brezhnev đã quyết định can thiệp vũ trang bất ngờ và các hoạt động thay đổi chế độ ở Afghanistan. Các lực lượng Liên Xô, bao gồm cả biệt kích KGB, những người đã xâm nhập vào nước này với lý do bảo vệ Đại sứ quán Liên Xô, đã có thể nhanh chóng phong tỏa các cơ quan chính phủ quan trọng trên khắp Kabul.

Tháng 10/1985, Alpha được điều động đến Beirut (Lebanon), nơi bốn nhà ngoại giao Liên Xô bị nhóm chiến binh Tổ chức Giải phóng Hồi giáo (một nhánh cực đoan của Tổ chức Anh em Hồi giáo), bắt cóc.

Đơn vị đặc nhiệm Alpha đã tham gia nhiều trận đánh lớn trong cuộc chiến ở Chechnya và các vụ bắt giữ con tin lớn, từng gây chấn động không chỉ dư luận Nga mà còn cả thế giới như Budenovsk, Kizljar-Pervomajsk, Dubrovka, Beslan. Ngoài yếu tố con người, thành công của Alpha được cho là việc huấn luyện công phu, bài bản và khắc khổ của những người lính cũng như được vũ trang bằng các loại phương tiện và vũ khí siêu đẳng với các tính năng chiến-kỹ thuật vượt trội…, trong đó có súng cá nhân.

Súng tiểu liên AK độc quyền

AK Alpha FSB được cho có các đặc tính kỹ-chiến thuật vượt trội trong khi có khối lượng rất nhẹ.

Bề ngoài, súng AK Alpha FSB chỉ chia sẻ "cơ chế" của súng tiểu liên tấn công Kalashnikov cổ điển - là sự kết hợp tùy chỉnh của những cải tiến mới nhất trong thế giới vũ khí. Nó không có điểm chung nào với AK-12 đang sử dụng hoặc AK-105 bằng polymer ở cỡ nòng 5,45x39 mm, mặc dù dựa trên thiết kế gốc của chúng. AK Alpha FSB là một sửa đổi độc đáo cho các hoạt động đô thị trong bóng tối.

1001 thắc mắc: Lực lượng Alpha thiện chiến Nga dùng vũ khí gì? ảnh 1 AK Alpha FSB được cho có các đặc tính kỹ-chiến thuật vượt trội trong khi có khối lượng rất nhẹ. (Nguồn: rbth.com).

Bộ trang bị cá nhân "body kit" hoàn chỉnh có giá khoảng 4.000 USD - gấp 4 lần khẩu AK-105 nguyên bản. Mặc dù vậy, nó hoàn toàn không phải là khẩu tiểu liên tấn công đắt nhất trên thị trường. Vinh dự đó thuộc về M-4 của Mỹ, H&K của Đức và các loại súng khác có giá bán lẻ lên đến 10.000 USD. Nhưng theo tiêu chuẩn của Nga, 4.000 USD cho vũ khí cơ bản cá nhân là một khoản tiền đáng kể.

Bản thân vũ khí và tất cả các phụ kiện được chế tạo bởi công ty Zenitco của Nga, sử dụng nhôm chống va đập dùng cho máy bay. Báng súng có thể đập vỡ khối bê tông, báng sửa đổi (được gọi là TT-3) có thể điều chỉnh được. Nó có thể được gấp lại hoặc kéo dài theo chiều dài của cánh tay, hoặc giấu dưới áo chống đạn hoặc quần áo mùa đông. Các sửa đổi này làm tăng đáng kể hiệu suất của súng và giảm trọng lượng của nó gần một nửa.

Giống như báng của súng bắn tỉa, TT-3 cũng có một ốp má có thể điều chỉnh, cho phép người bắn tựa mặt vào vũ khí khi ngắm bắn. Ngoài ra, AK Alpha FSB còn có thân vỏ được thiết kế riêng với đường ray Picatinny. Vỏ bọc vừa vặn với khẩu súng trường như thể nó được đúc liền, giữ lại các lỗ thông khí chính xác để gắn bất kỳ loại ống ngắm nào hiện có trên thị trường - ống chuẩn trực, quang học, laser, v.v.

AK Alpha FSB được trang bị một bộ hoàn chỉnh tất cả các thiết bị gá hiện đại hiện có. Trên thực tế, đây là bộ phận đắt tiền nhất của vũ khí. Ví dụ, thiết bị chỉ định mục tiêu Perst-4, có giá 2.500 USD, kết hợp tia laser và đèn pin ở cả quang phổ nhìn thấy và vô hình (nhìn bằng kính đặc biệt), hướng một chấm đỏ vào mục tiêu, giống như trong phim. Súng cũng đi kèm với một bộ giảm thanh, giúp tăng đáng kể việc giữ bí mật trong các hoạt động đặc biệt.

Tất cả các chi tiết của AK Alfa FSB đã được thiết kế cẩn thận từ những thứ nhỏ nhặt như tay cầm nạp đạn để dễ dàng thao tác khi có hoặc không có găng tay. Các số liệu chiến-kỹ thuật chi tiết của AK Alfa FSB không được tiết lộ, nhưng trên hết, phiên bản dành cho đặc nhiệm Alpha vẫn giữ được phẩm chất chính của súng trường tấn công Kalashnikov - độ tin cậy cao, không sợ bụi hoặc ô nhiễm, hoạt động tốt trong mưa hoặc bùn lầy, và trong khoảng nhiệt độ từ -50 đến +50°C.

5 lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất của Nga

Đặc nhiệm Alfa và Vympel. Sau vụ khủng bố nhắm vào đoàn vận động viên Israel tham gia Olympic tại thành phố Munich, Đức năm 1972 khiến 11 người chết, Liên Xô thành lập lực lượng chống khủng bố Alfa trực thuộc Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) vào năm 1974 để đối phó với nguy cơ tương tự.

 Huấn luyện đặc nhiệm Nga. Clip nguồn youtube

Trong khi đó, đặc nhiệm Vympel được thành lập từ năm 1981, cũng trực thuộc KGB trước kia và FSB ngày nay. Đơn vị này chuyên tác chiến ở hậu phương địch, cũng như bảo vệ cơ sở ngoại giao của Liên Xô và Nga ở nước ngoài. Hoạt động của Vympel vẫn là bí mật, nhưng đây được đánh giá là một trong những đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ nhất của Liên Xô.

Đặc nhiệm VDV. Lực lượng đặc nhiệm thuộc Binh chủng Đổ bộ đường không (VDV) Nga không hoạt động rộng khắp thế giới mà nhiệm vụ chính của họ là xâm nhập hậu phương địch, chiếm cứ điểm và chuẩn bị bãi đáp cho quân chủ lực. Các đơn vị này thường hoạt động trong bán kính 2.000 km từ căn cứ VDV.

Toàn bộ lực lượng đặc nhiệm VDV hiện nay thuộc biên chế Lữ đoàn trinh sát độc lập Cận vệ số 45, với quân số không dưới 1.000 người. Đơn vị này từng tham gia tấn công thành phố Grozny trong cuộc chiến Chechnya lần đầu tiên.

Các tay súng Chechen dường như bị sốc khi đối mặt với những cuộc đột kích "im lặng" của đặc nhiệm VDV. Họ bí mật chiếm từng ngôi nhà, mở đường cho bộ binh cơ giới đi sau. Nhiều đơn vị Chechen thậm chí đã biến mất mà không để lại dấu vết sau các cuộc đột kích của đặc nhiệm VDV.

Đặc nhiệm GRU. Đơn vị đặc nhiệm đầu tiên của Tổng cục Tình báo Quân đội (GRU) Liên Xô được thành lập vào năm 1950, trở thành "tai mắt" của Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô. Đặc nhiệm GRU thường được triển khai trong các hoạt động bí mật khắp thế giới, chịu sự quản lý của Bộ Quốc phòng chứ không phải lãnh đạo Liên Xô và Nga như các lực lượng khác.

Sau khi Liên Xô tan rã, ngân sách cho GRU bị cắt giảm đáng kể, làm giảm sức chiến đấu của đơn vị đặc nhiệm này. Họ bị chỉ trích nặng nề vì sự kém hiệu quả trong cuộc chiến Gruzia năm 2008, dẫn tới hàng loạt thay đổi trong cơ cấu tổ chức và huấn luyện.

Đặc nhiệm GRU đóng vai trò lớn trong sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. "Sau thắng lợi này, đặc nhiệm GRU trở thành vũ khí bí mật ưa thích của Tổng thống Nga Vladimir Putin", Mark Galeotti, chuyên gia về các cơ quan an ninh Nga, nhận xét.

Đặc nhiệm hải quân. Những đơn vị đặc nhiệm người nhái đầu tiên của Liên Xô xuất hiện trong cuộc bao vây Leningrad năm 1941, nhằm bảo vệ thành phố và lực lượng thuộc Hạm đội Baltic. Họ đã nhiều lần giao chiến với xuồng phóng lôi thuộc Hải đoàn tiến công số 12 của Italy, ngăn chúng tiếp cận tàu chiến, cầu, trung tâm thông tin và cơ sở hạ tầng Liên Xô.

Lực lượng này hiện nay được triển khai tại mọi căn cứ hải quân của Nga, với thành phần là những binh sĩ hải quân thiện chiến nhất. Nhiệm vụ chính của họ là bảo đảm an ninh, chống hoạt động do thám và phá hoại nhằm vào các quân cảng và tàu chiến. Khi nổ ra chiến tranh, đặc nhiệm hải quân Nga có thể tiến hành nhiều chiến dịch gây rối, phá hoại cơ sở hạ tầng và khí tài trong vùng biển đối phương.

Lực lượng đặc biệt (SSO). SSO là đơn vị mới nhất trong các lực lượng đặc nhiệm Nga, được thành lập từ năm 2009 và trực thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga. Binh sĩ SSO được tuyển từ mọi quân binh chủng thuộc lực lượng vũ trang nước này.

Phần lớn thông tin về SSO vẫn được giữ bí mật, nhưng lực lượng này từng xuất hiện ở Crimea, Syria và có nhiều cuộc giao chiến với cướp biển Somalia. Một trong những thành tích nổi tiếng nhất của SSO diễn ra hồi giữa năm 2017, khi 16 sĩ quan đặc nhiệm đẩy lùi đợt tấn công của 300 phiến quân Syria.

Hoạt động tác chiến của SSO cũng gây bất ngờ, thay đổi cách nhìn của giới chuyên gia phương Tây về quân đội Nga. Họ không chỉ có vũ khí trang bị tối tân mà còn sở hữu nhiều hệ thống điện tử hiện đại, chuyên dùng cho nhiệm vụ trinh sát và chỉ thị mục tiêu, khác xa với những chiến dịch chống khủng bố của Nga trong thập niên 1990.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.