1001 thắc mắc: Ong bắp cày khủng khiếp thế nào, sao không đốt người vào mùa thu?

1001 thắc mắc: Ong bắp cày khủng khiếp thế nào, sao không đốt người vào mùa thu?
TPO - Ong bắp cầy hung dữ và hay tấn công người, chúng được cho là thủ phạm đốt chết 50 người mỗi năm ở Nhật Bản. Có điều khá thú vị là chúng lại không tấn công người vào mùa thu.

Ong bắp cày là tên thông dụng của một nhóm các loài tò vò, chủ yếu thuộc các chi Vespa và Provespa. Có nhiều loài ong bắp cày có kích thước lên tới 5,5 cm. Loài được biết đến nhiều nhất là Vespa crabro (Ong bắp cày châu Âu) với kích thước khoảng 2 - 3.5 cm, phân bố chủ yếu ở châu Âu, Nga, Bắc Mỹ và Bắc Á. Trong tiếng Việt, ong bắp cày còn được gọi bằng các tên thông dụng khác như Ong vò vẽ, Ong bò, Ong bò vẽ, Ong bồ vẽ, Ong vẽ, Ong vàng, Ong nghệ.

Loài hung dữ và hay tấn công người

Ong bắp cày có hình dạng độc đáo với phần bụng và ngực được kết nối với nhau bằng một vòng eo siêu nhỏ.

Phần bụng của chúng thuôn nhọn về cuối tại nên một thân hình riêng biệt dễ nhận dạng. Loài ong này thường có màu vàng đậm rực rỡ xen kẽ với màu nâu hoặc có cả loại ong bắp cày xanh kim loại, có loài còn có màu đỏ tươi, ong bắp cày đen khá đa dạng.

Ong bắp cày thường đi săn riêng lẻ, tuy vậy chỉ có ong cái mới có ngòi độc để hạ gục đối thủ. Khi gặp nguy hiểm chúng mới tiết ra các hoocmon để kêu cứu những con ong gần đấy đến tấn công nạn nhân. Ong bắp cày là loài hung dữ và hay tấn công người.

Ong bắp cày khổng lồ châu Á có chiều dài lên đến gần 5cm, được xem là loài ong lớn nhất và loài ong nguy hiểm nhất thế giới. Theo nghiên cứu, nọc độc của chúng tấn công vào hệ thần kinh và đe dọa tính mạng của nạn nhân nếu họ không được điều trị kịp thời sau khi bị chúng đốt.

Ở Nhật Bản, ong bắp cày khổng lồ châu Á được gọi là osuzumebachi, trong tiếng Nhật có nghĩa là "ong chim sẻ", sở dĩ được gọi như vậy bởi với kích thước khổng lồ của mình, ong bắp cày không thèm để ý đến phấn hoa, mật cỏ, chúng nghiền nát cả những con bọ ngựa và một số côn trùng lớn khác làm thức ăn.

Loài ong bắp cày khổng lồ Châu Á được cho đã giết chết tới 50 người mỗi năm tại Nhật Bản .

Vì sao ong bắp cày không tấn công người vào mùa thu?

Những con ong bắp cày chết người trở nên nguy hiểm nhất từ cuối mùa hè đến đầu mùa thu, khi chúng tàn phá quần thể ong mật. Những con ong bắp cày sẽ tấn công tổ ong, giết chết những con ong lớn và ăn ấu trùng hoặc nhộng. Chỉ cần một vài trong số các con ong bắp cày có thể phá hủy hoàn toàn một tổ ong trong vài giờ.

Ong bắp cày đốt rất đau. Nhưng không phải con nào cũng biết làm việc ấy, mà chỉ có ong cái thôi. Mùa xuân và mùa hè, lũ ong cái bay ra khỏi tổ, và bạn rất dễ trở thành mục tiêu của chúng. Nhưng mùa thu, đa phần chúng ở nhà, nhường quyền hoạt động cho các con đực.

Khi đốt người, ong sử dụng đến một chiếc ngòi nhọn ở phần dưới bụng của chúng. Phần gốc ngòi gắn liền với tuyến nọc độc. Hễ chiếc ngòi nhọn đó cắm vào đâu là có nọc độc tràn vào. Bởi vậy khi bị ong đốt, ta có cảm đau buốt.

Ngòi ong chính là vòi đẻ trứng của chúng biến thành. Do đó, chỉ có ong cái mới có cơ quan này, còn ong đực thì không. Tất cả những con ong thợ đều là ong cái (tuy chúng không sinh nở được). Trong xã hội loài ong, con cái nhiều hơn con đực, và các chàng ong rất ít khi bay ra khỏi tổ, nên chúng ta thường chạm trán loại ong đốt người.

Riêng với ong bắp cày, trong mùa xuân và mùa hè, ong thợ xuất hiện nhiều ở ngoài tổ. Đến mùa thu, trời lạnh dần, con cái ở tổ chuẩn bị chống rét cho mùa đông. Cũng vào thời điểm này, ong đực bay đi tìm ong cái để giao phối duy trì nòi giống. Nên nếu có gặp chúng, bạn sẽ chẳng hề hấn gì cả.

Như vậy, nói ong bắp cày không đốt người vào mùa thu chẳng qua là chỉ những con ong đực không có khả năng đốt người. Cách đơn giản để phân biệt hai giống là nhìn màu sắc phần đầu của chúng: ong cái có màu vàng, ong đực là màu trắng.

 Clip ong bắp cày.

MỚI - NÓNG