Khám phá nhà hát 120 tuổi của TPHCM ngay trên sân trường

TPO - Với hệ thống trang thiết bị hiện đại nhất hiện nay, ứng dụng công nghệ BIM, BIM 360, Quét laser 3 chiều, Scan to Bim cho đến mô hình thực tế ảo, những công trình lịch sử như nhà hát TPHCM 120 tuổi hay hệ thống cảng biển lớn đều có thể mô phỏng 3D, đem lại những trải nghiệm thực tế đến từng chi tiết cho người yêu công nghệ. Đây cũng là công nghệ tiên phong để bảo tồn, phục chế các công trình lịch sử khi mô phỏng chính xác đến từng milimet của từng chi tiết kiến trúc.
Được xây dựng từ năm 1898, đưa vào sử dụng năm 1900, Nhà hát TP HCM là tòa nhà có thiết kế độc đáo thịnh hành cuối thế kỷ XIX. Toàn bộ các mẫu trang trí, phù điêu mặt tiền và nội thất được đưa từ Pháp sang Việt Nam. Với kiến trúc đặc sắc cùng với hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, nhà hát là nơi diễn ra các chương trình nghệ thuật lớn trong và ngoài nước, là điểm tham quan của du khách nước ngoài khi tới thành phố. Trong khi đó, trải qua hơn trăm năm hoạt động, nhà hát không tránh khỏi xuống cấp. Năm 2019, phần mái tòa nhà có những vết nứt chạy dài.

Tháng 9/2019, sau nhiều lần bàn bạc và khảo sát, nhóm thực hiện đưa ra giải pháp số hóa toàn bộ không gian, kiến trúc nhà hát. Khoảng 30 kỹ sư với hơn chục máy quét tia laser (laser scan), máy trắc đạc chia thành từng nhóm từ 5 đến 7 người, bắt đầu quét laser hơn 350 vị trí xung quanh nhà hát như khu vực sân khấu biểu diễn với sức chứa hơn 400 chỗ, mái vòm, tầng hầm...

Kết thúc công đoạn quét tia laser, nhóm kỹ sư số hóa và phân loại trên 50 cấu kiện, kết cấu của nhà hát như cột, mái, hệ xà gồ, thanh đỡ... Về kiến trúc, nhóm thu được hơn 1.000 chi tiết là các hoa văn, phù điêu, tượng, đèn... ở mọi ngóc ngách nhà hát từ tầng hầm đến mái.

Việc ghi nhận toàn bộ hiện trạng nhà hát giúp các kỹ sư thu thập thông tin dữ liệu chính xác nhất các kết cấu, chi tiết, hoa văn dù là nhỏ nhất với độ sai số từ 1 đến 3 mm so với kích thước thật. Các chi tiết được số hóa đều ghi các thông số về độ dài, rộng, dày, vật liệu xây dựng, ý nghĩa lịch sử... Với những chi tiết quá nhỏ, các kỹ sư phải đặt nhiều trạm quét để xác định chính xác hình thù vật thể.

Công đoạn cuối cùng là chuyển tải tất cả dữ liệu vào mô hình thông tin công trình (Building Information Modeling - BIM) chạy trên phần mềm máy tính, cho phép quản lý lịch sử hơn 120 năm của nhà hát và cả về sau này. Theo TS Hoàng Hiệp, khi cần thay thế bộ phận và chi tiết nào, phía nhà hát chỉ cần dựa vào dữ liệu đã được số hóa, phục chế bằng cách in 3D mẫu, sau đó chế tác, đúc lại với độ chính xác, vật liệu gần như tương tự.

MỚI - NÓNG