Môn văn thời 4.0: Thích thú học sinh tạo game 3D 'Người lái đò sông Đà'

Video và game 3D được sử dụng trong một tiết học Ngữ văn ở trường THPT FPT (Hà Nội) khiến nhiều người thích thú.

Đầu tháng 5, video ghi lại buổi báo cáo dự án "Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy các môn xã hội" tại trường THPT FPT (Hà Nội) lan truyền rộng rãi trong các nhóm học sinh, nhóm đồ họa trên Facebook.

Trong video, thầy giáo đang giảng bài "Người lái đò sông Đà" cùng một video 3D mô phỏng dòng sông như những gì tác giả Nguyễn Tuân viết với đầy đủ hình ảnh, âm thanh sống động, ví dụ đoạn "nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm". 

Ở dưới lớp, học sinh được nhập vai người lái đò để chơi game 3D có tên trùng với tên tác phẩm. Game chơi khá dễ dàng bằng tám chữ cái trên bàn phím laptop nhưng lại giúp các em cảm nhận được sự khó khăn khi vượt qua con sông lúc hung bạo, dữ tợn; lúc thơ mộng, trữ tình.

Ngoài ra, video còn cho thấy một phương pháp học Văn hiện đại khác. Khi học sinh sử dụng thiết bị thông minh như máy tính bảng để quét mã hoặc hình ảnh trên sách, slide thông tin về tác giả, tác phẩm, audio hoặc video bài giảng sẽ lần lượt hiện lên.

Video sau khi đăng tải nhận được nhiều bình luận khen ngợi. "Không thể tin nổi, tác phẩm được coi là ác mộng mùa thi (ý chỉ Người lái đò sông Đà) của tôi lại có ngày thành game 3D thế này. Ngày xưa mà được học như vậy thì có phải đi thi được 8 điểm Văn rồi không", một người chia sẻ. Một người khác khẳng định cách học Văn này xứng đáng với thời đại 4.0.

Thầy Đoàn Mạnh Linh, giáo viên trường THPT FPT, người phụ trách dự án Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học các môn xã hội, thông tin hình ảnh và game 3D "Người lái đò sông Đà" do Nguyễn Lân, học sinh lớp 11A4 của trường, sản xuất. Em đã thực hiện nó trong ba tháng và dự định hoàn thiện game với nhiều hình ảnh chân thực hơn trong kỳ nghỉ hè tới.

"Thể ký nghiêng về cảm nhận, góc nhìn và trải nghiệm của người viết về sự vật, hiện tượng. Vì vậy, những bạn chưa đến sông Đà sẽ rất khó hình dung. Đặc biệt, với ngòi bút vi diệu, trừu tượng của Nguyễn Tuân, cái khó ấy càng tăng lên gấp bội", thầy Linh nói và cho rằng game "Người lái đò sông Đà" là cách tốt giúp học sinh hình dung ra những gì tác giả muốn mô tả.

Về phương pháp học Văn sử dụng thiết bị thông minh quét mã hoặc hình ảnh, thầy Linh cho biết thực chất đó là cuốn giáo trình công nghệ được thực hiện bởi cả thầy và trò trường FPT. Trong đó, thầy cô đảm bảo tính chuyên môn. Bốn học sinh gồm Trần Khánh An, Ngô Phúc Lâm, Trịnh Vũ Hưng, Lê Nguyễn Quang Dũng (lớp 12A1) hỗ trợ làm hình ảnh 3D, slide, audio.

Với phương pháp này, các bài giảng được mã hóa dưới nhiều hình thức multimedia (đa phương tiện). Những đoạn văn bản dài trên giấy được lược bớt. Thay vào đó, kiến thức quan trọng được thể hiện ngắn gọn và thông minh bằng sơ đồ tư duy, file âm thanh và video khiến việc học Ngữ văn trở nên thú vị hơn.

"Bây giờ học sinh cầm điện thoại cả ngày thì được chứ cầm sách, vở thì ngại. Cuốn sách công nghệ này hỗ trợ học sinh trong quá trình ôn tập, tự học bất cứ khi nào và ở đâu", thầy Linh nói. Tuy nhiên, giáo viên khẳng định nó chỉ là phần bổ trợ chứ không thay thế việc học trên lớp của học sinh.

Được trải nghiệm tiết học 3D, nữ sinh Thu Hiền đánh giá cao những phần công nghệ được áp dụng. Em cho rằng công nghệ 3D không làm bài văn mất đi cảm xúc tự nhiên, ngược lại là chất xúc tác giúp em có thêm những trải nghiệm cá nhân, đối chiếu với ngôn ngữ của tác giả.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.