Sinh viên sáng tạo phần mềm nhận diện khuôn mặt

Nhóm sinh viên đoạt giải nhất bên sản phẩm của mình. Ảnh: Nghiêm Huê.
Nhóm sinh viên đoạt giải nhất bên sản phẩm của mình. Ảnh: Nghiêm Huê.
TP - Hệ thống nhận dạng khuôn mặt Bkface của nhóm sinh viên ngành công nghệ thông tin, trường ĐH Bách khoa Hà Nội và sinh viên ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân vừa được trao giải nhất cuộc thi sáng tạo trẻ do trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức.

Tác giả công trình là 5 sinh viên: Trần Trung Hiếu, Lê Trần Bảo Cương, Nguyễn Tiến Thảo (ngành công nghệ thông tin, trường ĐH Bách khoa Hà Nội), Lưu Thúy Hạnh (ngành quản trị kinh doanh, ĐH Ngoại thương) và  Kiều Khánh Linh (ĐH Kinh tế quốc dân).

Là trưởng nhóm nghiên cứu, Hiếu cho biết mục tiêu đề án là xây dựng mô hình tổng quát ứng dụng kỹ thuật học sâu cho phép giải quyết đồng thời nhiều bài toán liên quan tới nhận dạng khuôn mặt người. Sản phẩm có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực: kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng.

Hiếu cho biết, điểm khác biệt của hệ thống nhận dạng khuôn mặt Bkface  là kết quả nhận dạng khuôn mặt độ chính xác lên đến 96,4%. Ngoài ra khi so sánh với các sản phẩm của nước ngoài, Bkface có chi phí rẻ hơn 25%-30%.

 “Bkface nghiên cứu và phát triển sản phẩm với 3 tính năng chính: ngoài phát hiện khuôn mặt còn có nhận diện và xác thực khuôn mặt. 3 tính năng này giúp Bkface có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực phức tạp của đời sống, như an ninh, điều tra, truy bắt tội phạm...”,Trần Trung Hiếu nói.

Hiếu cho biết kỳ I năm học 2016-2017 em được học về trí tuệ nhân tạo. Đầu năm 2017, được thầy gợi ý đề tài. Tháng 4/2017 nhóm bắt đầu bắt tay vào nghiên cứu và tháng 9/2017 thì có kết quả.

Lưu Thúy Hạnh là dân ngoại đạo về kỹ thuật nhưng một lần nghe nhóm thuyết trình tại trường, Hạnh xin tham gia. Cô mất 3 tháng tìm hiểu sản phẩm và ứng dụng của nó. Hạnh cho biết thêm đã có một doanh nghiệp đặt hàng phần mềm này. Từ  đó đến nay nhóm liên tục cải tiến sản phẩm của mình.

Trí tuệ nhân tạo: cơ hội cho sinh viên Việt Nam

Là người nêu ý tưởng, tháo gỡ những khó khăn khi nhóm gặp phải, thầy Đinh Viết Sang, giảng viên về trí tuệ nhân tạo cho biết đây là những sinh viên thuộc đội tuyển Olympic tin học cấp trường. Họ là những người lập trình tốt nhất của trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

“Tư duy của các em rất tốt. Trong quá trình làm việc, các em rất nghiêm túc, hiệu quả, nền tảng tốt, tiếp cận công nghệ mới nhanh. Tôi chỉ hướng dẫn đường đi cho các em, còn các em ấy tự làm hết” – thầy Sang cho hay.

Thầy cho rằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt có nhu cầu rất lớn, không chỉ ở Việt

 Nam. Các công ty tại Việt Nam thường điểm danh bằng vân tay nhưng rất mất thời gian nếu là công ty lớn. “Nên họ muốn điểm danh bằng camera để tiết kiệm thời gian, đồng nghĩa với việc tiết kiệm chi phí. Trên thế giới đã có nhiều công ty  làm. Nhưng chúng tôi muốn kết  hợp công nghệ tân tiến của thế giới để  nâng cao độ chính xác của hệ thống” – thầy Sang nói.

Thầy Sang nói trí tuệ nhân tạo chính là từ khoá của Silicon trong 10 năm tới. Những công ty lớn hàng đầu thế giới như  Google, Facebook, Apple, Microsoft đều đổ xô tài lực của họ vào trí tuệ nhân tạo. Bản thân Google đã chuyển mình thành công ty về trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ quan trọng của thế giới.

“Nói chung sinh viên Việt Nam được đánh giá cao ở các nước. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã tìm đến Việt Nam, mở công ty để thu hút các tài năng của  Việt Nam làm về trí tuệ nhân tạo. Họ đánh giá cao tư chất của sinh viên Việt Nam. Sinh viên Việt Nam hoàn toàn có đủ tư chất để thành công trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo”, thầy Đinh Viết Sang nói.

Với cương vị là thành viên ban giám khảo cuộc thi Sáng tạo trẻ của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, GS Đinh Văn Phong, Phó hiệu trưởng cho biết sắp tới nhà trường hỗ trợ sản phẩm được giải tại cuộc thi. Đây là nội dung nằm trong chiến lược của trường. Hồ sơ của 18 đề tài vào vòng  hai, 7 đề tài vào vòng chung kết đã  được đưa vào danh sách tìm nguồn tài trợ để trở thành sản phẩm thương mại. Có đề tài đã được mua bản quyền hoặc triển khai thành sản phẩm thương mại.

Cuộc thi sáng tạo trẻ Bách khoa 2017, khởi động từ tháng 3/2017,  nhận được gần 80 ý tưởng với sự tham gia của 255 sinh viên thuộc gần 20 lĩnh vực chuyên môn.

MỚI - NÓNG