Thống đốc Ngân hàng trả lời chất vấn Quốc hội

Huy động vàng, ngoại tệ trong dân thế nào?

TPO - Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng lượng vàng, ngoại tệ trong dân đang khá lớn, nếu huy động được sẽ giúp có thêm nguồn lực đưa vào sản xuất kinh doanh. "Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì để huy động nguồn lực này?", ông hỏi.

Tại phiên chất vấn Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng diễn ra vào chiều nay (16/11), các đại biểu Quốc hội tập trung vào việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và các giải pháp huy động vốn trong dân.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đặt vấn đề: Trong 9 tháng đầu năm, tín dụng chỉ tăng 12%, khả năng hấp thụ nền kinh tế những tháng còn lại có hạn, nếu đẩy vốn cho doanh nghiệp vay, có thể gây hiệu ứng ngược. Trên cơ sở đó, đại biểu Ánh Tuyết chất vấn Thống đốc về giải pháp để có thể đạt tốc độ tăng trưởng như kế hoạch đề ra.

Trong khi đó, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) chất vấn Thống đốc về những giải pháp đột phá trong việc xử lý nợ xấu, xử lý hiệu quả ngân hàng yếu kém?

Trả lời chất vấn, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, Nghị quyết 42 là khuôn khổ pháp lý quan trọng và hữu ích để đẩy nhanh xử lý nợ xấu. Nhờ đó mà các cán bộ ngân hàng cũng tự tin hơn khi xử lý nợ xấu. Nghị quyết mới có hiệu lực từ 15/8 nhưng ngành đã rà soát chỉ đạo quyết liệt.

"Về vướng mắc về tài sản kê biên, VAMC sẽ làm việc với cơ quan chức năng. Nếu họ đồng ý có thể nhận các tài sản kê biên trong các vụ án thì chúng tôi sẽ xử lý", Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết.

Cũng theo Thống đốc, một số khoản nợ xấu hồ sơ pháp lý không đầy đủ, chủ yếu là tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Việc hoàn thiện các giấy tờ pháp lý cho tài sản đảm bảo, đặc biệt là bất động sản là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Năm 2017, tốc độ tín dụng tăng trưởng 18% và có điều chỉnh linh hoạt theo quy mô nền kinh tế. Đến cuối tháng 10, tín dụng tăng 13,6% (tăng 1% so với năm 2016). Theo ông Hưng, tốc độ này “không có gì đột biến” và việc tăng tín dụng phải đi kèm với chất lượng.

Liên quan đến cơ cấu tín dụng, Thống đốc cho hay, trong 10 tháng, tiền đã chảy vào đúng lĩnh vực cần ưu tiên là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chế biến, chế tạo...với mức cao hơn so với năm trước.

Thống đốc khẳng định, NHNN đảm bảo tăng trưởng tín dụng tăng phù hợp với hấp thụ vốn kinh tế, không gây áp lực lên kinh tế vĩ mô, lạm phát. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng sẽ tăng đúng theo định hướng và kiểm soát được chất lượng tín dụng.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đánh giá, thành công trong điều hành tiền tệ, vàng vừa qua đã ổn định kinh tế vĩ mô: "Tuy nhiên vàng trong dân còn lớn, nếu huy động được sẽ tốt, vậy quan điểm và giải pháp của Thống đốc về việc này?"

Tương tự, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) dẫn trường hợp cụ bà Phạm Văn Bô hiến 5 nghìn lượng vàng năm xưa để đặt vấn đề: "Lượng tiền vàng trong dân còn rất lớn. Vậy ngành ngân hàng có giải pháp gì để huy động vốn trong dân, Thống đốc có cam kết gì để củng cố lòng tin trong nhân dân?"

Trả lời chất vấn, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng Giải pháp huy động vàng trong dân căn cơ nhất, bền vững, khả thi nhất, là Chính phủ và các bộ ngành cần kiên định mục tiêu điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng lòng tin của doanh nghiệp... trên cơ sở đó sẽ khiến nguồn vốn không bỏ vào tài sản tài chính như vàng, ngoại tệ. Việc này cần có thời điểm và lộ trình để chuyển hóa nguồn lực.

"Trước đây Việt Nam tốn nhiều ngoại tệ nhập khẩu vàng, để thị trường có tác động gây bất ổn. Nhiều năm qua thị trường này ổn định, không mất ngoại tệ nhập vàng; thị trường đang tự điều tiết. Như vậy đã chuyển hóa một phần nguồn lực lớn từ vàng sang nền kinh tế

Ngoại tệ cũng là nguồn lực rất quan trọng. Vừa qua, chúng ta áp dụng trần lãi suất huy động ngoại tệ là 0%, nguồn lực đó thực tế chuyển hóa qua VND.

Thị trường ngoại hối hiện có tỷ giá ổn định, mua được lượng lớn ngoại tệ từ người dân bán cho các tổ chức tín dụng. Nếu kiên định, giải pháp như vậy sẽ tốt", Thống đốc nói.

Quản chặt việc sử dụng vốn của BOT

Đánh giá cao phần trả lời của Thống đốc đã đi vào trọng tâm, tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cũng chia sẻ một vấn đề ông lo lắng. Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, trong đó, tổng vốn đầu tư của dự án 118 nghìn tỷ đồng, nhưng vốn ngân sách chỉ đảm đương được 55 nghìn tỷ đồng, còn lại huy động 63 nghìn tỷ, dự kiến sẽ vay hệ thống ngân hàng trên 50 nghìn tỷ.

“Một trong những điểm tắc nghẽn là vượt quá khả năng cho vay của hệ thống tín dụng do những ràng buộc về điều kiện pháp lý… Thống đốc có thể trả lời thêm để các đại biểu yên tâm khi xem xét thông qua Nghị quyết này?”, đại biểu Ngân nêu.

Thống đốc Lê Minh Hưng lý giải, vấn đề vốn cho đường cao tốc rất quan trọng, nhưng rủi ro cho hệ thống ngân hàng cũng quan trọng không kém.

“Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ. Không phải hệ thống Ngân hàng không cho vay BOT giao thông, mà chúng tôi chỉ đạo tổ chức tín dụng phải tăng cường chức năng thẩm định phương án tài chính, để đảm bảo dự án hiệu quả, khả thi, tăng cường thẩm định năng lực tài chính của nhà đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự thì vẫn cho vay”, ông Lê Minh Hưng nói.

Thống đốc cho biết thêm, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng, trong quá trình thực hiện phải quản lý chặt tình tình hình sử dụng vốn của chủ đầu tư và diễn biến có liên quan.

MỚI - NÓNG