Tòa kết luận thế nào về hành vi ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh?

Các bị cáo trong phiên tòa sáng 22/1. Ảnh: Hồ Như Ý
Các bị cáo trong phiên tòa sáng 22/1. Ảnh: Hồ Như Ý
TPO - "Các bị cáo mà đứng đầu là Đinh La Thăng đã vi phạm quy định, thực hiện chỉ định thầu gây nhiều hậu quả nghiêm trọng; Số tiền thiệt hại hơn 119 tỷ đồng và hơn 13 tỷ đồng bị tham ô chưa nói hết được hậu quả trong vụ án" - chủ tọa tuyên đọc bản án sơ thẩm, sáng 22/1. 

Thay mặt Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP Hà Nội, thẩm phán chủ tọa Nguyễn Ngọc Huân và thẩm phán Trương Việt Toàn đã điểm lại những diến biến chính trong quá trình xét hỏi, đồng thời đưa ra nhận định, đánh giá của HĐXX về hành vi phạm tội của các bị cáo.

Nhiều bị cáo phạm tội do bị cấp trên thúc ép

Cụ thể, HĐXX đánh giá, bị cáo Đinh La Thăng là người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí, được Nhà nước giao thực hiện dự án lớn nhưng chỉ đạo việc ký hợp đồng trái quy định và nghị quyết của PVN và cho PVC ứng tiền sai quy định, kéo theo một loạt lãnh đạo khác của PVN phạm tội. Việc này là đáng lên án.

Cạnh bị cáo Thăng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng kéo một loạt nhân viên dưới quyền vào vòng lao lý. Tuy các bị cáo Thăng, Thanh không thừa nhận nhưng việc truy tố các bị cáo về tội cố ý làm trái là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng, HĐXX xét thấy do hành vi cố ý làm trái của các bị cáo Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực, Trịnh Xuân Thanh… đã gây thiệt hại 119 tỷ đồng cho nhà nước mà PVN là đại diện nên phải bồi thường. Các bị cáo Thăng – Thanh có vai trò ngang nhau nên phải bồi thường mỗi bị cáo 30 tỷ đồng. Các bị cáo khác bồi thường từ 2 – 7 tỷ đồng.

Về hành vi tham ô tài sản, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận – nguyên TGĐ PVC; Nguyễn Anh Minh – nguyên Phó TGĐ PVC đã chỉ đạo Lương Văn Hòa – GĐ Ban điều hành dự án Vũng Áng – Quảng Trạch rút tiền từ dự án để chi tiêu qua đầu mối là Bùi Mạnh Hiển – nguyên Chánh văn phòng PVC. Sau đó, Hòa đã cùng vợ chồng Nguyễn Thành Quỳnh, Lê Thị Anh Hoa lập khống 4 hồ sơ để hợp thức hơn 13 tỷ đồng đã rút.

Với khoản tiền 4 tỷ đồng Thanh chiếm đoạt riêng, HĐXX thấy các bị cáo khác đều khai, theo chỉ đạo của Thanh, Minh Anh đã gọi điện cho Hòa chuyển tiền để chi tiêu dịp Tết Âm lịch năm 2012.

Tòa kết luận thế nào về hành vi ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh? ảnh 1

Dẫn giải Trịnh Xuân Thanh vào phòng xử nghe tuyên án. Ảnh: Mạnh Thắng.

Hòa đã rút 5 tỷ đồng chuyển cho nhân chứng Nguyễn Văn Kế - lái xe của Minh Anh. Anh Kế sau đó đưa 1 tỷ đồng cho Minh Anh; 4 tỷ đồng cho Trịnh Xuân Thanh qua anh Toàn là lái xe của Thanh. Điều này đủ cơ sở kết luận, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo cấp dưới rút tiền từ dự án Vũng Áng – Quảng Trạch và chiếm đoạt 4 tỷ đồng trong đó. Như vậy không có cơ sở chấp nhận ý kiến của luật sư về việc Trịnh Xuân Thanh không chiếm đoạt tiền.

Xem xét giảm nhẹ cho bị cáo Đinh La Thăng

HĐXX cũng nhận định, vụ án cố ý làm trái và tham ô tài sản là vụ án kinh tế - tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận hết sức quan tâm. Các bị cáo đều là lãnh đạo tập đoàn lớn, được nhân dân giao cho khai thác dầu khí là nguồn tài nguyên quý của quốc gia, thực hiện một số dự án lớn.

Tuy nhiên, vì các động cơ khác nhau, các bị cáo mà đứng đầu là ông Đinh La Thăng đã vi phạm quy định, thực hiện chỉ định thầu gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Số tiền thiệt hại hơn 119 tỷ đồng và hơn 13 tỷ đồng bị tham ô chưa nói hết được hậu quả trong vụ án.

Do thời hạn về tố tụng nên nhiều hậu quả khác chưa được làm rõ. Không chỉ bị cáo Đinh La Thăng, các bị cáo khác trong vụ án còn có nhiều nhà khoa học, lãnh đạo của PVN cũng vướng lao lý; nhiều bị cáo bị tha hóa biến chất từ đây mà Trịnh Xuân Thanh là điển hình…

Tòa kết luận thế nào về hành vi ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh? ảnh 2

Bị cáo Đinh La Thăng.

Cũng theo HĐXX, vụ án còn khiến nhân dân nghi ngờ tính thanh liêm, minh bạch trong thực hiện dự án. Bị cáo Đinh La Thăng là người có vai trò quyết định trong việc ký hợp đồng, cho ứng tiền trái quy định. Chính bị cáo Thăng là người thúc ép cấp dưới thực hiện hành vi phạm tội và tạo điều kiện cho Trịnh Xuân Thanh sử dụng tiền tạm ứng sai quy định.

Các bị cáo khác biết rõ các hành vi trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện chỉ đạo của Đinh La Thăng và phạm tội. Bị cáo Thăng cơ bản nhận hành vi phạm tội, nhân thân chưa có tiền án tiền sự… nên HĐXX thấy có thể xem xét giảm nhẹ.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh có vai trò chính trong việc cố ý làm trái tại dự án Thái Bình 2 và rút tiền từ dự án Vũng Áng – Quảng Trạch. Bị cáo đáp ứng điều kiện bị tuyên mức án tử hình nhưng do bị cáo đã khắc phục một phần hậu quả, gia đình có công với cách mạng… nên HĐXX cũng thấy không cần thiết phải loại bỏ bị cáo khỏi đời sống xã hội.

Các bị cáo khác phạm tội cố ý làm trái đã thực hiện hành vi phạm tội dưới sự thúc ép của cấp trên, không hưởng lợi, thừa nhận trách nhiệm của mình… nên được xem xét giảm nhẹ. Bên cạnh đó, các bị cáo khác phạm tội tham ô cũng cơ bản khắc phục hậu quả, tích cực khai báo… nên cũng sẽ được xem xét giảm nhẹ.

Tiếp tục kê biên tài sản của Trịnh Xuân Thanh 

Về tội tham ô tài sản, các bị cáo phải bồi thường cho PVC số tiền đã chiếm đoạt. Trong số tiền này có hơn 1 tỷ đồng được Cty Quỳnh Hòa nộp thuế nên cần thiết yêu cầu Chi cục thuế Quảng Bình trả lại PVC. Như vậy, các bị cáo phải bồi thường hơn 11 tỷ đồng trong đó Trịnh Xuân Thanh phải bồi thường 4 tỷ đồng, liên đới bồi thường 1,5 tỷ đồng (gia đình ông Thanh đã nộp 4 tỷ đồng). HĐXX cũng quyết định tiếp tục kê biên tài sản của Trịnh Xuân Thanh để đảm bảo thi hành án.

Về phần kiến nghị, HĐXX đã nhận công văn của PVC đang thu hồi tới 10/1/2018 đã thu hồi 1.240 tỷ đồng để tạm ứng bù đắp cho dự án Thái Bình 2. Như vậy, PVC đang dùng nguồn tiền khác bù vào phần đã chi trái quy định nên đề nghị CQĐT làm rõ việc chi 1.115 tỷ đồng từ dự án Thái Bình 2 đã chi cho mục đích khác. Ngoài ra, PVC còn được chỉ định thầu thực hiện Ethanol Phú Thọ, tơ sợi Đình Vũ… được Chính phủ xác định thu thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng nên đề nghị CQĐT làm rõ.

Vì các lẽ trên, Tòa sơ thẩm quyết định tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; chung thân về tội Tham ô tài sản…
MỚI - NÓNG