LHQ xem xét dự thảo nghị quyết về Jerusalem, lo ngại Mỹ cản trở

Thánh địa Jerusalem. Ảnh: Reuters
Thánh địa Jerusalem. Ảnh: Reuters
TPO - Dự thảo nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) về Jerusalem có thể sẽ được hầu hết các thành viên ủng hộ. Tuy nhiên, theo các nguồn ngoại giao, Mỹ nhiều khả năng sẽ phủ quyết văn bản này.

Nghị quyết của LHQ về Jerusalem

UNSC đang xem xét một dự thảo nghị quyết nhằm vô hiệu hóa một cách hợp pháp bất kỳ quyết định đơn phương nào về tình trạng của Jerusalem.

Sputnik trích dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết, vào thứ Hai (18/12), hội đồng sẽ thảo luận về tình hình xung quanh Jerusalem, trong đó bao gồm cả dự thảo nghị quyết nêu trên. Tuy nhiên, chưa rõ việc bỏ phiếu thông qua văn bản trên có tiến hành vào cùng ngày hay không.

Theo Reuters, bản dự thảo khẳng định rằng “bất cứ quyết định và hành động nào có ý định thay đổi đặc tính, hiện trạng hoặc thành phần dân cư của thánh địa Jerusalem không có hiệu lực pháp luật, vô giá trị và phải được hủy bỏ theo các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an”.

Văn bản này cũng kêu gọi tất cả các quốc gia kiềm chế việc thành lập các phái bộ ngoại giao tại Jerusalem, theo Nghị quyết 478 (năm 1980) của UNSC.

AFP thông tin thêm, dự thảo nghị quyết nhấn mạnh, vấn đề Jerusalem cần phải được giải quyết thông qua đàm phán, và “rất lấy làm tiếc” về quyết định gần đây liên quan đến tình trạng của Jerusalem. Tuy nhiên, văn bản này lại không đề cập cụ thể đến quyết định hôm 6/12 của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Dự thảo nghị quyết ra đời sau khi ông Trump tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel và lên kế hoạch chuyển Đại sứ quán Mỹ tới thành cổ này. Quyết định này đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong thế giới Hồi giáo, cũng như sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, bao gồm cả đồng minh châu Âu của Washington.

Mỹ có thể dùng quyền phủ quyết

Nghị quyết của UNSC cần có 9 phiếu thuận để thông qua và không có bất kỳ quyền phủ quyết nào của các thành viên thường trực (Mỹ, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc) được sử dụng để thông qua.

Các nhà ngoại giao tiết lộ với AFP, hầu hết các thành viên của hội đồng sẽ bỏ phiếu đồng ý bản dự thảo, nhưng nhiều khả năng, Washington sẽ sử dụng quyền phủ quyết.

Trước đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley gọi quyết định của ông Trump về Jerusalem là “điều công bằng và đúng đắn”.

Nếu nghị quyết không được thông qua tại UNSC, nó có thể được đưa ra Đại hội đồng LHQ để bỏ phiếu.

Trong khi đó, người Palestine kêu gọi một nghị quyết cứng rắn hơn, trực tiếp yêu cầu Washington rút lại quyết định của họ.

UNSC trước đó đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để giải quyết động thái đơn phương của Mỹ vào ngày 8/12. Tại đó, Mỹ gần như bị “cô lập” trong sự chỉ trích của các thành viên khác.

 Bạo lực leo thang

Quyết định của Trump về Jerusalem đã kéo theo những cuộc biểu tình ở Dải Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem.

Theo thống kê mới nhất, 8 người Palestine đã thiệt mạng vì bạo lực hoặc các cuộc không kích của Israel. Ngoài ra, hơn 1.000 người Palestine bị thương trong cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Israel.

Hôm thứ Ba (12/12), Phong trào Kháng chiến Hồi giáo Hamas của Palestine, bị Mỹ và châu Âu liệt vào danh sách các nhóm khủng bố, tuyên bố bắt đầu Cuộc nổi dậy “intifada” thứ ba chống lại Israel .

Hai cuộc intifada trước đó, trong các năm 1987-1991 và 2000-2005, đã khiến hàng trăm người Israel và hàng ngàn người Palestine thiệt mạng.

Theo Theo Sputnik
MỚI - NÓNG