Quan hệ Nga - Mỹ chưa thể cải thiện sau 2 giờ hội đàm

Ảnh: RIA Novosti
Ảnh: RIA Novosti
TPO - Quan hệ Nga - Mỹ chưa thể "đơm hoa kết trái" sau cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Tổng thống Vladimir Putin và Donald Trump bên lề Hội nghị G20 tại Hamburg, Đức. Một loạt động thái sau cuộc gặp thượng đỉnh này cho thấy hai nước vẫn còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn tháo gỡ những rào cản bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Sau cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donal Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị G20 tại thành phố Hamburg, Đức với kết quả như thông báo của quan chức cấp cao hai nước là "hài lòng về các kết quả đạt được", ông Trump đã viết trên trang mạng xã hội Twitter của mình rằng: "Các lệnh trừng phạt đã không được thảo luận trong cuộc họp giữa tôi với Tổng thống Putin. Sẽ không có gì xảy ra trước khi các vấn đề liên quan đến Ukraina và Syria được giải quyết".

Đặc biệt, trong chuyến thăm Ukraine vào ngày 9/10, tức chỉ 2 ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung bên lề Hội nghị G20, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã kêu gọi Moscow ngừng cuộc xung đột do Nga hậu thuẫn ở Đông Ukraine, cảnh báo các biện pháp trừng phạt vẫn sẽ tiếp tục.

Trong đó, ông Tillerson kêu gọi Nga “tôn trọng các cam kết” và khôi phục hoàn toàn thỏa thuận ngừng bắn giữa các phần tử nổi dậy do Nga hậu thuẫn với lực lượng chính phủ Ukraine. Và nhấn mạnh, Washington muốn “khôi phục lại toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine”.

"Nga cần phải có các hành động kiềm chế căng thẳng leo thang ở phía đông Ukraine, loại bỏ vũ khí hạng nặng và chiến binh nước ngoài ra khỏi khu vực theo đúng thỏa thuận của Hiệp định Minsk. Chúng tôi thất vọng bởi sự thiếu tiến bộ trong Hiệp định Minsk. Chúng tôi kêu gọi Nga tôn trong cam kết của họ”, ông Tillerson nói.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt đối với Nga vẫn sẽ giữ nguyên cho đến khi Moscow “đảo ngược” các hành động tại Ukraine, bao gồm việc trả lại Crimea.

Tuyên bố của ông Tillerson được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin có cuộc họp song phương trực tiếp đầu tiên vào 7/7, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức. Vấn đề Ukraine cũng được kỳ vọng sẽ được thảo luận trong cuộc họp, tuy nhiên, có vẻ như không đi đến đâu.

Đáp lại các tuyên bố của ông Trump và Ngoại trưởng Tillerson, ngày 9/7, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Konstantin Kossatchev tuyên bố Moscow sẽ không thay đổi chính sách của mình đối với Ukraina và Syria, bất chấp sức ép từ các lệnh trừng phạt được áp đặt bởi Washington. 

Theo hãng thông tấn RIA Novosti, ông Kossatchev cho biết lập trường của Moscow về Syria và Ukraina "chưa bao giờ và sẽ không bao giờ" bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ, sau khi Tổng thống Donald Trump trên mạng xã hội Twitter nói về các lệnh trừng phạt này. 

Đặc biệt, ngày 10/7, Bộ Ngoại giao Nga cho biết đang cân nhắc giảm cấp độ đại diện ngoại giao tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xuống đại biện lâm thời sau khi Đại diện thường trực của Nga tại NATO Alexander Grushko rời khỏi cương vị.

Quyết định trên được đưa ra do NATO không muốn tham gia các cuộc đối thoại mang tính xây dựng và luôn biến mọi cuộc thảo luận trở thành những cáo buộc chống lại Moscow. 

Vào ngày 13/7 tới, một cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO ở cấp đại sứ sẽ được tổ chức tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ. Tuy nhiên, phía Nga cho rằng cuộc họp này sẽ không đạt được kết quả, do NATO “không muốn lắng nghe” lập trường của Nga mà chỉ muốn tăng cường cáo buộc Moscow là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng tại Ukraine. 

Theo đánh giá của Matthew Rojansky-Giám đốc Viện Kennan tại Trung tâm Woodrow Wilson ở Washington (Mỹ), đối với Tổng thống Trump, cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Nga là một cơ hội để tiến tới việc thực hiện ít nhất 2 trong số những cam kết được đưa ra trong quá trình tranh cử và hậu bầu cử.

Ông Trump đã hứa sẽ cải thiện quan hệ với Nga, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác Nga-Mỹ trong giải quyết cuộc khủng hoảng Syria và cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Trong khi đó, đối với Tổng thống Putin, cuộc gặp này đem lại cơ hội để tác động đến chính sách cô lập Nga của chính quyền Mỹ tiền nhiệm. 

Tuy nhiên, chuyên gia Rojansky lưu ý rằng sự cải thiện nhanh chóng trong mối quan hệ Nga-Mỹ sẽ không thể dự đoán trước, đặc biệt là khi xem xét đến các cuộc bầu cử sắp tới ở Nga và các cuộc điều tra chống lại Nga mà chính quyền Washington đang tiến hành. 

Có thể nhận thấy, cuộc hội đàm hiếm hoi tại Hamburg giữa lãnh đạo Nga - Mỹ cho thấy hai bên sẵn sàng tạm gác những bất đồng và tiến hành đối thoại nhằm tìm tiếng nói chung. Kết quả cuộc gặp này có thể tạo tiền đề khôi phục đối thoại giữa hai cường quốc đồng thời duy trì hợp tác trong những lĩnh vực mà hai bên cùng có lợi ích.

Đây thực sự là một tín hiệu tốt, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang xuất hiện nhiều thách thức, đe dọa cả truyền thống và phi truyền thống mà để giải quyết chúng đòi hỏi phải có sự phối hợp nỗ lực giữa các cường quốc hàng đầu thế giới như Nga và Mỹ.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, bởi bất đồng trong quan hệ Nga - Mỹ vốn tích tụ chồng chất trong nhiều năm qua và để khai thông bế tắc cần phải nỗ lực vượt qua nhiều rào cản đầy chông gai phía trước.

MỚI - NÓNG