Tổng thống Putin: 'Người Nga không coi Mỹ là kẻ thù'

Ảnh: Tass
Ảnh: Tass
TPO - Cuộc đối thoại trực tuyến của Tổng thống Nga Vladimir Putin với toàn thể nhân dân Nga vừa bắt đầu lúc 12h (giờ Moscow, tức 16h, giờ Việt Nam). Trước khi bắt đầu chương trình, đã có gần 1,9 triệu câu hỏi gửi đến theo các kênh khác nhau như gọi điện trực tuyến, gửi tin nhắn qua điện thoại, mạng xã hội.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa bắt đầu cuộc đối thoại trực tuyến hàng năm với toàn thể nhân dân Nga vào lúc 12h hôm nay, 15/6 (giờ địa phương).

Trước khi bắt đầu chương trình, đã có gần 1,9 triệu câu hỏi được người dân gửi đến Tổng thống theo các kênh khác nhau như gọi điện trực tuyến, gửi tin nhắn qua điện thoại, mạng xã hội.

Những câu hỏi này được gửi đến từ các địa chỉ trong và ngoài nước Nga, theo Russia 24 TV.

Đây là lần thứ 15 Tổng thống Putin tham gia đối thoại trực tuyến với nhân dân. Cuộc đối thoại được truyền hình và phát thanh trực tiếp.

Ai sẽ kế nhiệm Tổng thống Putin?

“Chỉ người dân Nga mới có thể xác định, ai sẽ lãnh đạo thành phố, khu vực hoặc đất nước”, Tổng thống Nga Putin cho biết.

Sẵn sàng đối thoại với phái đối lập

Về cuộc đối thoại với phái đối lập trong bối cảnh những hoạt động phản đối không được phép gần đây, Tổng thống Nga cho biết ông sẵn sàng làm việc với tất cả các lực lượng đối lập, ngoại trừ những đối tượng trục lợi từ khó khăn của người khác vì mục đích chính trị riêng. 

Đối với đội tuyển bóng đá quốc gia Nga

Tổng thống Putin khẳng định, những người hâm mộ nước Nga luôn chờ đợi những kết quả tốt của đội tuyển bóng đá Nga, nước đăng cai Worl Cup 2018.

Theo lời Tổng thống Nga, vấn đề là ở chỗ trong các đội bóng đá Nga có quá nhiều cầu thủ nước ngoài, trong khi công tác bồi dưỡng thể thao thanh thiếu niên trong nước chưa được dành quan tâm đầy đủ.

Tổng thống Putin: 'Người Nga không coi Mỹ là kẻ thù' ảnh 2  Ảnh: Sputnik

Kinh nghiệm vô giá từ chiến trường Syria

Giao lưu trực tiếp nhận được rất nhiều câu hỏi từ những người có nguyện vọng phục vụ trong quân đội, - như thông báo của người dẫn chương trình.

Câu hỏi từ Volgograd, nơi các tân binh tuyên thệ. “Từ chiến dịch ở Syria rút ra được những kinh nghiệm gì?”. Theo lời Tổng thống Putin, những kinh nghiệm thu được ở Syria là vô giá. Quân đội đã có thể sử dụng những loại vũ khí mới nhất.

Về kế hoạch tương lai, Tổng thống Nga cho biết Moscow quan tâm đến tiến trình bình ổn chính trị ở Syria. “Còn mục tiêu ngắn hạn của Moscow là tăng cường khả năng quân sự của Syria lên tới mức độ cho phép họ có thể chống khủng bố một cách hiệu quả.”

Tổng thống Putin: 'Người Nga không coi Mỹ là kẻ thù' ảnh 3  Ảnh: Sputnik

Người Nga không coi Mỹ là kẻ thù

“Là một người Mỹ sống tại Mỹ, tôi chứng kiến sự gia tăng của làn sóng thù địch đối với nước Nga. Ông Putin có lời khuyên gì”, một người đến từ Arizona (Mỹ), có quan điểm thân Nga đặt câu hỏi.

“Nga không coi Mỹ là kẻ thù”, Tổng thống Putin đáp. “Nga có rất nhiều bạn ở Mỹ và từng là đồng minh trong hai cuộc chiến tranh thế giới.” Ông chủ điện Kremlin khẳng định quan điểm chống Nga chủ yếu xuất phát từ cuộc xung đột chính trị nội bộ tại Mỹ.

Ngoài ra, Moscow và Washington cũng cần hợp tác chặt chẽ trên một số lĩnh vực cả hai đều quan tâm như sự kiểm soát vũ khí hủy diệt hàng loạt, vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên, chiến đấu chống đói nghèo, bảo vệ sinh thái. “Mối quan hệ Nga – Mỹ rồi cũng sẽ trở lại bình thường. Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này.”, ông Putin nói thêm. “Chúng tôi hy vọng Mỹ có thể giúp chúng tôi giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ

Về lời khai của cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey “Ông Comey không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sự can thiệp của Nga đối với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ”, ông Putin nói.

Tổng thống Putin cho rằng việc Comey làm rò rỉ về cuộc trò chuyện của mình với Tổng thống Trump “đã đặt chính Comey vào tình huống nguy hiểm”. Theo ông Putin, Comey đã hành động như một nhà hoạt động xã hội chứ không phải một Giám đốc FBI.

Tương lai ngành công nghiệp đóng tàu Nga 

Các nhân viên xưởng đóng tàu Baltic ở St. Petersburg băn khoăn về tương lai của nhà máy đóng tàu khi Nga bắt đầu triển khai kế hoạch thăm dò ngoài khơi vùng cực Bắc. Trả lời câu hỏi này, Tổng thống Putin đảm bảo với các công nhân rằng chính phủ Nga sẽ tiếp tục kí hợp đồng đóng tàu phá băng chạy bằng hạt nhân với nhà máy Baltic.

Tổng thống Putin khẳng định nhà máy đóng tàu Baltic là doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghiệp sản xuất tàu của Nga.

Tổng thống Putin: 'Người Nga không coi Mỹ là kẻ thù' ảnh 4  Ảnh: Sputnik

“Nga sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển hải quân và công nghiệp đóng tàu”, ông Putin nói. “Các tàu phá băng mới sẽ không chỉ giới hạn ở chức năng phá băng. Cho đến thời điểm gần đây, không nước nào sở hữu tàu phá băng mạnh mẽ như của Nga.”

“Các tàu phá băng có vai trò rất quan trọng trong kế hoạch phát triển vùng Bắc Cực của Nga. Tương lai của Nga phụ thuộc vào sự có mặt tại Bắc Cực”, ông Putin cho biết. Ngoài ra lợi ích về kinh tế, vùng Bắc Cực cũng đóng vai trò chiến lược trong việc đảm bảo sự an toàn của Nga, theo ông Putin.

Moscow cần tăng cường khả năng giám sát khu vực trước những mối đe dọa liên quan đến tàu ngầm và tên lửa Mỹ. “Tàu ngầm Mỹ từ Na Uy có thể chạm tới Moscow chỉ trong vòng 15 phút. Chúng ta phải có biện pháp đề phòng.”

Quan hệ với quốc gia láng giềng Ukraine

Ông Putin cho rằng chính quyền của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sẽ phải đối mặt với những thách thức về kinh tế, và rằng ông Poroshenko nên “đóng các tài khoản ở nước ngoài” trước khi khoe khoang về việc ông quan tâm đến người dân Ukraine.

Tổng thống Putin: 'Người Nga không coi Mỹ là kẻ thù' ảnh 5  Ảnh: Sputnik

Về thắc mắc của một người dân Ukraine qua điện thoại từ Kiev, rằng vì sao Nga không hỗ trợ cho những người Ukraine ủng hộ Nga, Tổng thống Nga Putin khẳng định, nếu Moscow hành động như vậy có thể gây tổn thương người dân Ukraine, những người bất đồng với chính phủ về cách họ ứng phó với Nga.

Tổng thống Putin cũng khẳng định, không phải tất cả mọi người trong nước đều theo phái dân tộc chủ nghĩa, còn ở Nga thì “có vẻ toàn bộ người Ukraine bị quy vào một hệ tư tưởng”.

Tổng thống Putin có hai cháu ngoại

Tổng thống Nga Putin cho biết ông đã có hai cháu ngoại, một cháu đã học mẫu giáo, một cháu mới sinh.

"Tôi không muốn các cháu tôi lớn lên theo cung cách đặc biệt. Tôi muốn để các cháu lớn lên như những người bình thường", ông Putin nói.

Tổng thống Putin: 'Người Nga không coi Mỹ là kẻ thù' ảnh 6  Ảnh: Sputnik

Về khủng hoảng kinh tế

Tổng thống Putin cho rằng, Nga đã chuyển sang giai đoạn tăng trưởng, và rằng nền kinh tế của đất nước đã vượt ra khỏi suy thoái.

Tuy nhiên, ông Putin thừa nhận sự lo ngại về cố lượng công dân sống dưới mức nghèo khổ. Tổng thống bày tỏ sự tin tưởng rằng cần phải gia tăng số chỗ làm việc và mở rộng sản xuất trong nước.

Những nước áp đặt trừng phạt tổn thất hơn Nga nhiều lần

Tổng thống Putin cho biết, lệnh trừng phạt mà các quốc gia áp đặt khiến Nga thiệt hại khoảng 50-52 tỷ USD. Tuy nhiên, các quốc gia áp đặt trừng phạt thì mất tới 100 tỷ USD.

Từ hệ quả của những biện pháp hạn chế, theo Tổng thống Putin, trong nhiều lĩnh vực của đất nước, Nga đã phục hồi nội lực trên nhiều lĩnh vực, trong đó có chế tạo tên lửa, dược phẩm, chế tạo máy, nông nghiệp và những ngành khác.

Về việc Mỹ mở rộng trừng phạt

Tổng thống Putin nói rằng, Nga đã "sống chung" với các lệnh trừng phạt từ khi Nga có vị thế quan trọng với thế giới.

"Chúng ta biết Thượng viện Mỹ quyết định thắt chặt trừng phạt, nhưng chúng ta không biết lý do tại sao. Đó có thể là dấu hiệu của sự đấu đá chính trị ở Mỹ", ông Putin nói. Người đứng đầu điện Kremlin cũng nhấn mạnh, lệnh trừng phạt chắc chắn tác động đến kinh tế Nga nhưng không đáng kể.

Để đối phó với các lệnh trừng phạt này, Nga sẽ mở rộng hơn nữa ngành nông nghiệp, tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Tổng thống Putin: 'Người Nga không coi Mỹ là kẻ thù' ảnh 7 Trường quay cuộc đối thoại trực tuyến của ông Putin năm 2016. Ảnh: Sputnik News
Tổng thống Putin: 'Người Nga không coi Mỹ là kẻ thù' ảnh 8 Câu hỏi được gửi đến Tổng thống qua nhiều kênh khác nhau. Ảnh: Sputnik News
Tổng thống Putin: 'Người Nga không coi Mỹ là kẻ thù' ảnh 9 Sự kiện đối thoại ngày càng thu hút sự chú ý của người dân. Ảnh: Sputnik News

Cuộc đối thoại trực tuyến đầu tiên diễn ra ngày 24/12/2001 và kéo dài 2 tiếng rưỡi. Trong đó, Tổng thống Putin nhận được 400.000 câu hỏi và trả lời được khoảng 46 câu.

Kể từ đó đến nay, ông Putin đã đối thoại trực tuyến với nhân dân 14 lần, 10 lần trên cương vị Tổng thống và 4 lần trên cương vị Thủ tướng.

Các câu hỏi trong chương trình đối thoại chủ yếu xoay quanh các vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế của đất nước và mối quan hệ giữa Nga với cộng đồng quốc tế.

Trước mỗi chương trình,Tổng thống Putin phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nghiên cứu thông tin, số liệu, trao đổi với các bộ trưởng và lãnh đạo các cơ quan liên bang.

Năm ngoái, Tổng thống Putin tổ chức đối thoại trực tuyến với nhân dân vào ngày 14/4. Cuộc đối thoại này kéo dài tới 3 tiếng 40 phút. Tổng thống Putin nhận được 2,5 triệu câu hỏi và trả lời được 80 câu.

Theo Theo Sputnik News, RT, Tass
MỚI - NÓNG