Tương lai nào cho Tổng thống Syria trong kỷ nguyên hậu IS?

Ảnh: Hindustantimes
Ảnh: Hindustantimes
TPO - Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang bị suy yếu tại Syria và Iraq. Điều đó sẽ làm thay đổi tình hình địa-chính trị khu vực Trung Đông hiện nay, đặc biệt đối với những toan tính của các bên trong khủng hoảng ở Syria.

Điều này đã làm dấy lên mối quan tâm về số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ ra sao trong kỷ nguyên hậu IS.

Mặc dù diện tích lãnh thổ mà IS chiếm đóng tại Syria đã giảm xuống còn khoảng 50% so với lúc ban đầu. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định IS sẽ bị đánh bại hoàn toàn.

IS có khả năng phục hồi sức mạnh, nhưng chắc chắn sẽ yếu hơn so với vài năm trước đây. Do đó, câu hỏi về tương lai của Tổng thống Assad đang được nêu trở lại.

Cán cân quyền lực trên chiến trường Syria hiện nay chia thành 2 phe rõ rệt. Một phe gồm Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel là những quốc gia từng muốn lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Phe còn lại gồm Nga và Iran là các bên ủng hộ mạnh mẽ  ông Bashar al-Assad.

Trước khi IS chưa bị đánh bật khỏi Syria và còn là lực lượng chính trên chiến trường Syria, Mỹ và Israel rất thận trọng trong việc tìm cách lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Hai nước này cho rằng việc Tổng thống Bashar al-Assad kiểm soát Damascus ít đe dọa đến Mỹ và Israel hơn là để IS kiểm soát Damascus. Do đó, Mỹ và Israel tạm thời chưa thúc đẩy chính sách lật đổ ông Bashar al-Assad mà tập trung vào cuộc chiến chống IS. 

Tuy nhiên, sau khi IS liên tiếp nhận thất bại trên chiến trường Syria và Iraq, câu hỏi về tương lai của Tổng thống Assad một lần nữa đã được bàn thảo và trở thành trọng điểm trong toan tính của các bên trên chiến trường Syria thời kỳ hậu IS.

Hiện tại, ưu tiên hàng đầu của Mỹ là lật đổ chế độ Bashar al-Assad. Bởi việc lật đổ chế độ Bashar al-Assad sẽ đảm bảo cho Mỹ kiềm chế ảnh hưởng của Iran trong thế giới Ả-rập, đặc biệt là tại Syria và Liban.

Trên thực tế Mỹ thực sự không lo sợ sự hiện diện của Nga tại Syria bằng sự hiện diện của Iran tại đây vì Nga không có khả năng thay đổi hoàn toàn "ván cờ" chính trị tại Syria và khu vực. 

Hơn nữa, thời gian qua Israel cũng phát tín hiệu sẵn sàng can dự bằng quân sự vào Syria thông qua việc liên tiếp tiến hành không kích vào lãnh thổ Syria và khu vực có lực lượng ủng hộ chính phủ của ông Bashar al-Assad.

Trong khi đó, Tổng thống Assad lại được Nga và Iran ủng hộ một cách mạnh mẽ. Hiện tại, ưu tiên hàng đầu của Nga và Iran là tìm mọi cách để bảo vệ chính quyền của ông Bashar al-Assad trước sự hiếu chiến và sẵn sàng đối đầu trực diện của ông Trump với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, Nga và Iran tại chiến trường Syria.

Sở dĩ Tổng thống Bashar al-Assad có thể tồn tại lâu như vậy là nhờ vào sự ủng hộ của Nga và Iran và do IS quá mạnh trên chiến trường nên Mỹ và đồng minh phải tập trung tiêu diệt IS trước.

Theo các chuyên gia về tình hình Syria, mặc dù, mối quan hệ giữa Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ-Israel vẫn còn một số bất đồng liên quan, nhưng cả ba quốc gia này đều đối địch với Iran và Tổng thống Bashar al-Assad. Sau khi IS bị đánh bại, cách để hàn gắn mối quan hệ giữa ba nước này là cùng phối hợp lật đổ ông Bashar al-Assad.

Để thực hiện được mục tiêu này cần phải làm suy yếu Iran và Nga. Thổ Nhĩ Kỳ và Israel có thể tồn tại mâu thuẫn trong quan hệ với Nga nhưng không thể phủ nhận 2 nước này đều có chung mong muốn chống lại Iran.

Israel có thể không muốn dính líu tới cuộc chiến tại Syria, nhưng chắc chắn muốn có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy là cả Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đều có chung mục đích cuối cùng là lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.

Như vậy, sự tan rã của IS trên chiến trường Syria dẫn tới thực tế địa-chính trị mới trong khu vực, trong đó tương lai của ông Bashar al-Assad là một tâm điểm. Điều này dự báo sẽ có một cuộc chiến khốc liệt giữa Mỹ-đồng minh với Nga-Iran trong cuộc chiến giữa "lật đổ" và "bảo vệ" chính quyền của ông Bashar al-Assad trong kỷ nguyên hậu IS.

MỚI - NÓNG