Các Đại biểu Quốc hội nói gì về tình hình biển Đông?

TPO - Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội vừa qua, nhiều ĐBQH, tướng lĩnh quân đội đã nói về tình hình biển Đông, chủ trương, đối sách bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

ĐBQH Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng nhận định, tình hình khu vực biển Đông có rất nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh an toàn biển, có tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất trên thế giới, đe dọa đến an ninh khu vực và an ninh thế giới, có chung khu vực biển Đông.

Ông Khoa cho biết, trước tình hình đó, từ tháng 5, khi chúng ta hoạt động dầu khí trên biển và đặc biệt từ đầu tháng 7 đến những ngày tháng 10 vừa qua, chúng ta thấy nước ngoài đã đưa lực lượng xuống phản đối chúng ta một cách hết sức phi lý.

“Đây là những cái chúng ta không thể chấp nhận được”, Tướng Khoa nhấn mạnh. Ngoài ra, họ còn đưa tàu xuống khảo sát thăm dò, có những thời điểm đưa tới 35-40 chiếc tàu để bảo vệ.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đã tiến hành ngoại giao. Chúng ta đấu tranh trên cơ sở đấu tranh pháp lý để khẳng định chủ quyền của chúng ta.

Trên thực địa, Quân uỷ T.Ư, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư thường xuyên bám sát nắm chắc tình hình và tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng, khẳng định khu vực chủ quyền và quyền chủ quyền của chúng ta “không thể chối cãi” theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

“Thưa Quốc hội, có thể nói là dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại của dân tộc ta. Quy luật đấy ngày nay được thể hiện ở 2 việc rất rõ là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đảm bảo vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trong tình hình hiện nay với đặc điểm, những yếu tố tác động tới sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi chúng ta có giải pháp phù hợp để đấu tranh trong việc giữ vững môi trường độc lập, phát triển đất nước”, Tướng Khoa cho hay.

Theo ông Khoa, năm 2018, sau khi Bộ Chính trị đã thông qua kết luận các chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tiến hành quán triệt sâu sắc các chiến lược này.

Có thể nói đây là cơ sở để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng tổ chức biên chế quân đội và mua sắm vũ khí, trang bị, bảo đảm theo tinh thần tinh, gọn, mạnh, đáp ứng với các kiểu chiến tranh hiện đại trong điều kiện mới.

“Có thể nói đất nước ta đã từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Chúng ta thấy được sự tàn khốc của cuộc chiến tranh và sự mất mát của mỗi gia đình và dòng họ. Việc bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Tuy nhiên, chúng ta cũng luôn luôn phải sẵn sàng cảnh giác, tỉnh táo và sẵn sàng các phương án cao nhất với các tình huống có thể xảy ra, vì lợi ích quốc gia của dân tộc, vì độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta phải sẵn sàng bảo vệ và đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước”, tướng Khoa nhấn mạnh.

Trong phần phát biểu trước QH, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cũng đề cập đến vấn đề Biển Đông. Thượng tướng Nghĩa đánh giá, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đặc biệt quan tâm. Đây là lần đầu tiên tại phiên khai mạc Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định điều này và Thủ tướng Chính phủ khi báo cáo kinh tế xã hội cũng đã khẳng định về bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của chúng ta.

“Có thể khẳng định trong thời gian qua về quốc phòng, an ninh đối ngoại của chúng ta được tăng cường và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Có thể khẳng định rằng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm, đặt lên hàng đầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Các lực lượng thực thi nhiệm vụ đã thực hiện đúng đường lối quan điểm của Đảng và đối sách của Đảng. Đó là kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế để giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và lợi ích quốc gia, dân tộc. Đồng thời giữ được môi trường hòa bình, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế và xã hội vừa qua”, Tướng Nghĩa cho hay.

Theo ông Nghĩa, Đảng, Nhà nước luôn luôn lắng nghe những ý kiến chính đáng và tâm huyết của nhân dân. Đồng thời Đảng, Nhà nước chúng ta cũng kế thừa truyền thống văn hóa giữ nước của cha ông ta, kiên quyết kiên trì theo tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến”, những vấn đề thuộc về nguyên tắc là chúng ta kiên quyết giữ gìn như Thủ tướng Chính phủ đã nói, những vấn đề thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là chúng ta quyết không nhân nhượng. Nhưng chúng ta phải có đối sách phù hợp truyền thống văn hóa của chúng ta “giữ nước, hòa hiếu và hòa bình”. Điều này đã khẳng định trong tầm cao mới, đường lối quan điểm đó là đúng đắn.

“Chúng ta có thể khẳng định rằng mỗi người dân Việt Nam ai cũng có khát vọng để vươn lên. Tinh thần ấy hiện đang được khơi dậy. Khi đất nước ta chưa có độc lập, khát vọng lớn nhất của chúng ta là đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước. Ngày nay khát vọng lớn nhất của chúng ta là phải giữ vững được độc lập chủ quyền và thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh”, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam nói.

Tướng Nghĩa cho rằng, khát vọng đó chính là niềm tự hào, là điểm tương đồng để củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Khát vọng đó đang đứng trước thời cơ lớn, song đó cũng là quá trình liên tục lâu dài phải phấn đấu và phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức gian khổ một trong những thách thức. Đó chính là bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta!

“Chúng ta kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ nhưng trong từng tình huống cụ thể, chúng ta phải có sách lược phù hợp, phải khẳng định tính đúng đắn, tính chính nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc, của đất nước, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế.

Có dư luận nói rằng, chúng ta không sử dụng như lịch sử pháp lý, nhưng lịch sử pháp lý chính là một trong những căn cứ rất quan trọng để chúng ta khẳng định tính chính nghĩa của chúng ta, khẳng định chủ quyền của chúng ta mà cụ thể đó là Hiến chương Liên Hợp Quốc và Luật Biển năm 1982 và các luật pháp, các điều ước khác mà Việt Nam chúng ta đã cam kết”, Tướng Nghĩa nhấn mạnh.

Tại phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp, nhiều ĐBQH cũng nêu vấn đề biển Đông. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho biết, nhiều ý kiến cử tri đã đề nghị không chỉ kiện Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính mà phải đưa toàn bộ các hoạt động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, xây dựng trái phép, quân sự hoá nhiều đảo Biển Đông suốt thời gian vừa qua ra tòa quốc tế.

Nói việc khai thác tài nguyên môi trường, tàn phá môi trường, ông Hiếu cho rằng, không thể không nói đến nước láng giềng Trung Quốc. Khi họ khai thác cạn kiệt tài nguyên môi trường biển, họ sang cả vùng biển lân cận thậm chí xa hơn trên Biển Đông. Trung Quốc đã chuyển giai đoạn xây dựng bồi đắp sang giai đoạn quân sự hoá, khai thác, sử dụng.

Từ đó, vị đại biểu này đề nghị cần công khai thật chi tiết các hoạt động lấn chiếm biển đảo, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc để dư luận tiến bộ Việt Nam, trên toàn thế giới, bao gồm cả nhân dân Trung Quốc biết.

Theo ông Hiếu, những phương pháp vừa hợp tác vừa đấu tranh, kiên quyết kiên trì xử lý hành vi xâm phạm chủ quyền bằng biện pháp hoà bình thời gian qua không làm giảm đi lòng tham của Trung Quốc. Do đó, cần có thêm biện pháp mới theo nguyên tắc mà Chủ tịch nước đã khẳng định bất di bất dịch là “không  bao giờ nhân nhượng, những gì thuộc về độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.

Qua tiếp xúc cử tri, ông Hiếu cho biết, nhiều ý kiến đề nghị đưa vụ việc ra toà án quốc tế. “Chúng ta không chỉ kiện Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính mà phải đưa toàn bộ các hoạt động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, xây dựng trái phép, quân sự hoá nhiều đảo Biển Đông suốt thời gian vừa qua. Khi có chính nghĩa, dư luận quốc tế và ngay cả người dân Trung Hoa sẽ hiểu sự phi lý của chính quyền Trung Quốc”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Cũng đề cập tình hình Biển Đông, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) nhắc lại báo cáo Chính phủ nêu, “gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao”.

Theo ông Nhường, Đảng và Nhà nước đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì Việt Nam không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

“Trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, ngư dân là lực lượng tham gia đóng góp lớn, nhưng chính sách cho đối tượng này lại chưa được quan tâm đúng mức”, ông Nhường nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nhấn mạnh quan điểm rằng, Đảng, Nhà nước và tất cả mọi người dân Việt Nam ai cũng yêu nước, cũng đều muốn bảo vệ chủ quyền và không có bất kỳ sự nhân nhượng nào khi nói đến vấn đề bảo vệ chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ các quyền thiêng liêng của dân tộc.

“Theo tôi, chúng ta cũng nên thông tin đầy đủ hơn, kịp thời hơn qua hệ thống chính trị phủ khắp cả nước. Có nhiều cách thức để chúng ta thông tin đến người dân, để làm sao người dân có sự yên tâm, tin tưởng vào tương lai, vào kết quả bảo vệ chủ quyền của đất nước”, ông Nghĩa đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) đánh giá, trước tình hình bất ổn giữa các nước lớn và Biển Đông bị đe dọa an ninh nghiêm trọng, nhưng với chủ trương đúng đắn, Việt Nam rất thành công trong công tác đối ngoại; mở rộng hợp tác đối ngoại song phương, đa phương với các nước và Liên minh châu Âu, tạo thế và lực mới của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo đại biểu Thủy, ở trong nước, tuy có nhiều lo lắng, bức xúc trước chủ quyền thiêng liêng của đất nước Việt Nam bị Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng. Song cử tri và nhân dân cả nước luôn tin tưởng, đánh giá cao trách nhiệm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lực lượng vũ trang nhân dân…luôn kiên định, nhất quán chủ trương “những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam chúng ta không bao giờ nhân nhượng”.

“Từ khẳng định nhất quán đó đã có những hành động kiên quyết, kiên trì, bình tĩnh, khôn khéo, xử lý đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý và thực địa, tạo đồng thuận cao trong nhân dân và cộng đồng quốc tế, giữ vững được môi trường hòa bình trong khu vực và Biển Đông, tạo điều kiện ổn định trong nước để thu hút đầu tư, du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”, đại biểu Thủy nói.

Trong khi đó, ĐBQH Lê Thanh Vân cho biết, Trung Quốc không từ bỏ thủ đoạn chiếm đoạt biển Đông thành ao nhà. “Và Trung Quốc đang có tam chủng chiến pháp là tâm lý, truyền thông và pháp lý. Về tâm lý thì Trung Quốc đã rao giảng cho các thế hệ học sinh từ trước đến nay là Biển đông là của Trung Quốc. Về truyền thông thì Trung Quốc rêu rao khắp các diễn đàn đấy là của Trung Quốc. Và về pháp lý thì Trung Quốc đang sửa lại diễn đạt của luật biển và trên thực địa đang tiến hành xâm lấn các quốc gia ven biển”, ông Vân phân tích.

Vì thế, theo ông Vân, phải có đối sách phù hợp. “Chúng ta phải có tam công chiến pháp để đối sách lại với Trung Quốc. Đó là công luận, công khai và công pháp”, ông Vân nói.

Ông Vân phân tích, về công luận chúng ta phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền củng cố hồ sơ để chứng minh cho dư luận thế giới biết Biển Đông là của Việt Nam. Về công khai thì chúng ta phải công khai hóa các hoạt động phi pháp của Trung Quốc cho thế giới biết, cho trong nước biết. Và công pháp là phải sử dụng tối đa các công cụ pháp lý từ công pháp quốc tế đến cơ sở pháp lý mà luật biển của Việt Nam đã quy định. “Về lâu dài chúng ta phải có một đối sách căn bản và phòng thủ chặt chẽ để ngăn chặn sự lấn tới của Trung Quốc, vi phạm trắng trợn của Trung Quốc trên biển Đông”, ông Vân nói.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí, Nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu T.Ư cho rằng, báo cáo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh vừa qua cho thấy tình hình Biển Đông mấy tháng qua diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép.

“Được biết các nỗ lực ngoại giao, các lực lượng trên biển của chúng ta đã giành được kết quả quan trọng và cơ bản. Đó là kiên trì đấu tranh và vận động để Trung Quốc rút tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, giữ vững được môi trường hoà bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông, đặc biệt là thực hiện được kế hoạch hoạt động dầu khí của chúng ra, được quốc tế ủng hộ, đồng tình và thừa nhận”, ông nói.

Ông Trí cho hay, cử tri rất phấn khởi và tin tưởng vào đường lối giải quyết vấn đề Biển Đông của Đảng. Tuy nhiên, nguyện vọng của cử tri là mong Chính phủ làm tốt hơn nữa việc chủ động cung cấp thông tin dưới các hình thức khác nhau để nhân dân biết rõ, yên tâm và tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông đúng cách, hiệu quả.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.