Quốc hội tiếp tục chất vấn việc thực hiện lời hứa các tư lệnh ngành

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền, Phú Yên. Ảnh Như Ý
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền, Phú Yên. Ảnh Như Ý
TPO - Sáng 31/10, Quốc hội tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ. Trước đó, vào cuối giờ chiều hôm qua, nhiều câu hỏi được các đại biểu đặt ra.

Trong cả ngày hôm qua đã có 36 đại biểu chất vấn và 23 đại biểu tranh luận và đã có 15 Bộ trưởng, Chánh án Tòa án tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trả lời.

Cuối giờ chiều hôm qua 30/10, nhiều câu hỏi được các đại biểu đặt ra, và hôm nay 31/10, các tư lệnh ngành sẽ trả lời theo từng chủ đề.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) nêu: Trong các báo cáo về tài chính ngân sách gửi tới Quốc hội cho thấy Bộ trưởng đã triển khai nhiều giải pháp để thu hồi nợ đọng thuế. Tuy nhiên, nợ đọng thuế vẫn còn cao và xu hướng của năm 2018 cao hơn năm 2017. Trong nhiều nguyên nhân, tôi quan tâm đến nguyên nhân là các cơ quan chức năng đã khó kết luận hành vi đúng, sai của doanh nghiệp, của người nộp thuế và của cơ quan thuế. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp của mình nhằm khắc phục nguyên nhân của tồn tại nêu trên?

Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) nêu chất vấn: Cử tri và nhân dân đánh giá cao kết quả bước đầu về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, từ thực tiễn của đồng bằng sông Hồng nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng đang gặp khó khăn về việc tích tụ đất đai để phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch, cơ cấu nông sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp.

Mặt khác, để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở cấp huyện thì vấn đề vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông hiện nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn, khó có khả năng đạt được mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới. Xin gửi tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết các vấn đề trên?

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa) nêu chất vấn: Theo Báo cáo của Chánh án, đến ngày 30/9/2018 toàn ngành không còn vụ án hành chính quá hạn do lỗi chủ quan của Tòa án. Tuy nhiên, tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết số 111 của Quốc hội đề ra, tức là tỷ lệ án bị hủy chiếm 3,03%, bị sửa chiếm 3,34%. Vẫn còn các bản án tuyên không rõ ràng, gây khó khăn trong công tác thi hành, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết các giải pháp hữu hiệu trong thời gian tới để khắc phục được những tồn tại, hạn chế trên, đặc biệt giải quyết các vụ án liên quan đến khởi kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quản lý đất đai?

Chất vấn vai trò nêu gương của người đứng đầu ngành

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đặt câu hỏi: Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định cụ thể về quyền tham gia của trẻ em trong những vấn đề có liên quan đến trẻ em. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trong quá trình soạn thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), bộ đã tổ chức lấy ý kiến trực tiếp, tham vấn ý kiến trực tiếp của trẻ em học sinh hay chưa?

Dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên mà Bộ đang cho lấy ý kiến rộng rãi, trong đó có quy định xử lý học sinh, sinh viên bán dâm. Dù là dự thảo nhưng có nội dung gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dục, đó là truyền thụ nhân cách và nhiều cử tri đã bày tỏ sự lo lắng nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy quản lý giáo dục hiện nay.

Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý của mình về vấn đề này, vai trò nêu gương của người đứng đầu ngành khi Bộ trưởng thường xuyên đưa ra quan điểm sửa sai, xử lý nghiêm, kiên quyết xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm rồi lại tiếp tục sai. Giải pháp nào để giữ vững sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay?

Đại biểu Dương Minh Ánh (TP Hà Nội) đồng tình với Bộ trưởng về việc phải đổi mới chương trình giáo dục theo hướng giảm tải nhưng tôi băn khoăn một số vấn đề trong câu trả lời của Bộ trưởng. Đó là nếu đưa kiến thức cả 3 môn toán, lý, hóa tích hợp lại thành chủ đề trong môn khoa học tự nhiên và phương án trước mắt là Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bố trí 3 giáo viên dậy 1 môn.

Câu hỏi đặt ra là các giáo viên này có thể đảm bảo ngay việc dậy tích hợp và chủ đề liên môn như Bộ trưởng đã nêu hay không. Chưa kể đến những bất cập trong việc tổ chức triển khai tại các trường, như việc vào điểm, ra bài, ra đề chấm thi vào môn thi tích hợp của các trường, như tôi đã đặt câu hỏi mà Bộ trưởng chưa trả lời. Còn về hướng sẽ đào tạo một giáo viên có thể dạy cả ba môn trong vòng 6 năm nữa. Tôi cũng xin nhắc để Bộ trưởng nhớ, Nghị quyết 404 của Quốc hội đã thông qua về lộ trình triển khai sách giáo khoa thì năm 2020, 2021 sẽ triển khai ở lớp 2 và lớp 6, 2021 đến 2022 sẽ triển khai ở lớp 3 và lớp 7, lớp 10, v.v...

Vậy, còn chưa đầy hai năm nữa bộ trưởng sẽ hoàn thành sách giáo khoa lớp 6 và đào tạo giáo viên giảng dạy tích hợp liên môn này. Cho đến nay theo tôi được biết, chương trình đào tạo giảng dạy tích hợp tại các trường sư phạm còn chưa có, mà quy trình đào tạo giáo viên có bằng đại học phải mất 4 năm.

Một lần nữa, tôi đề nghị Bộ trưởng lắng nghe ý kiến của cử tri và cân nhắc thật kỹ khi triển khai giảng dạy tích hợp liên môn?

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.