Thảo luận Quốc hội: Nỗi lo 'làm 1 đồng nhưng xài đến 3 đồng'

TPO - “Nếu theo các chỉ số thì mỗi người dân Việt Nam gánh 1.000 USD tiền nợ và xu hướng sẽ còn tăng trong những năm tới. Chi thường xuyên hiện chiếm đến 70%, mức bội chi gấp 3 lần tăng trưởng. Như vậy chúng ta làm 1 đồng nhưng xài đến 3 đồng", đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cảnh báo.

Theo chương trình kỳ họp đã được thông qua, Quốc hội sẽ dành nguyên một ngày hôm nay (9/6) để thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước (NSNN). Đây là nội dung quan trọng, luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi của các vị đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân cả nước.

Được biết, trong sáng nay đã có 93 đại biểu đăng ký thảo luận.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, căn cứ kết quả thảo luận tại tổ và để có thêm thời gian cho nhiều vị đại biểu phát biểu, thành viên Chính phủ giải trình, làm rõ vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho phép kéo dài thời gian phiên họp chiều ngày hôm nay đến 18h30.

Tại buổi thảo luận sáng 9/6, đại biểu Quốc hội (ĐB) Đặng Thuần Phong (Bến Tre) bày tỏ sự bất an về tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn ra nghiêm trọng.

“Tiền của dân chắt chiu trong mồ hôi nước mắt, nhưng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nhiều, rất đáng báo động”, ông Phong nói.

Ông Phong cũng nêu một bất an khác là vấn đề nợ công. “Nếu theo các chỉ số,  mỗi người dân Việt Nam phải gánh 1.000 USD tiền nợ và xu hướng sẽ còn tăng trong những năm tới”, ông Phong nói và cho biết thêm, chi thường xuyên hiện chiếm đến 70%, mức bội chi gấp 3 lần tăng trưởng. "Như vậy chúng ta làm 1 đồng nhưng xài đến 3 đồng", ông Phong nói.

Đặc biệt, ông Phong chỉ ra một mối lo lớn là sự thương mại hóa các quan hệ xã hội. Để minh chứng cho vấn đề này, ông Phong nêu ra thực trạng “chạy chọt” ở Việt Nam "từ chạy chỗ sinh đẻ, chạy trường, chạy lớp, chạy điểm. Được tuyển dụng thì chạy chỗ, tuyển dụng, chạy quy hoạch, chạy luân chuyện, chạy chức, chạy quyền… Khi vi phạm pháp luật thì chạy điều tra, chạy truy tố, chạy án và thậm chí chạy khỏi tổ quốc đến nơi mà Việt Nam chưa ký kết hiệp ước về dẫn độ tội phạm để an thân".

Ông Phong cũng bày tỏ mối lo về tình trạng đưa công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường vào trong nước gây ô nhiễm môi trường. “Khi đất đã chết, sông chết và từ từ biển chết… thì tiền có nhiều đến đâu đi nữa cũng không thể mua được môi trường tươi đẹp mà chúng ta đã mất và đang mất”. Từ đó ông Phong kiến nghị "đừng vì tăng trưởng tức thì mà buông bỏ tương lai của người dân".

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) phản ánh tình trạng thanh tra, phiền hà sách nhiễu. Vị đại biểu nêu ví dụ, một doanh nghiệp đã bị thiệt hại không nhỏ khi buộc dừng hoạt động dây chuyền sản xuất chỉ vì lý do tự ý thay đổi dây chuyền, cho dù dây chuyền này hiện đại hơn trong xử lý môi trường. Rồi một chủ doanh nghiệp là đại biểu Quốc hội khoá trước cũng than phiền về thanh tra, kiểm tra.

ĐB Nguyễn Tuấn Anh cũng bày tỏ sự lo lắng khi thực trạng cứ 10 doanh nghiệp ra đời thì 9 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. ĐB này đề nghị cần tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, không tình trạng, hết giải cứu dưa hấu, giải cứu lợn giờ lại đi giải cứu bí đỏ.

MỚI - NÓNG