Đội tuyển Nhật Bản: Samurai chờ lập kỳ tích

Tiền vệ Keisuke Honda (trên, Nhật) tránh cú tắc của hậu vệ Costa Rica.
Tiền vệ Keisuke Honda (trên, Nhật) tránh cú tắc của hậu vệ Costa Rica.
Việc liên tục nắm giữ vị trí số 1 châu Á trên bảng xếp hạng FIFA chính là lời khẳng định đẳng cấp cùng thực lực của Nhật Bản.

Nếu có thêm chút may mắn ở loạt đá luân lưu cách đây 4 năm trước Paraguay, hẳn Nhật Bản còn có thể tự hào với việc góp mặt tại vòng tứ kết ở Nam Phi 2010 chứ không chỉ hài lòng với thành tích 2 lần vào đến vòng 16 đội (2002, 2010).

Không còn nghi ngờ gì nữa, với những ai mang suy nghĩ tự tôn về màu da, chủng tộc, Nhật Bản chính là niềm tự hào của cả châu Á trong việc đua tài cùng anh hào trên khắp thế giới tại những ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Đoàn quân xứ sở hoa anh đào còn hứa hẹn sẽ tạo nên những chiến tích thú vị hơn nữa trên đất Brazil tháng 6 này khi trong vòng 4 năm qua, họ đã định hình được lối chơi ngày càng chắc chắn hơn, hiệu quả hơn và nhất là thực dụng hơn dưới triều đại của HLV Alberto Zaccheroni.

Mang theo triết lý bóng đá đặc trưng của xứ sở Italia, nhà cầm quân Zaccheroni đã làm thay đổi hẳn diện mạo của đội tuyển Nhật Bản, biến những “chiến binh Samurai” với lối chơi mạnh mẽ, phóng khoáng trở nên thực dụng hơn, khó bị đánh bại ngay cả khi phải đối đầu cùng những đội bóng lớn.

Năm 2013, tuyển Nhật Bản dù không đạt được kết quả như mong đợi ở Confederations Cup nhưng cũng kịp “trình làng” phong cách thi đấu mới mẻ, đủ sức chơi sòng phẳng với đối thủ gồm toàn những nhà vô địch châu lục. Ở trận đấu với á quân châu Âu, tuyển Nhật chỉ chịu thua Italia với tỷ số sít sao 3-4 bởi pha ghi bàn quyết định ở phút thứ 89 của Giovinco.

Tại giai đoạn chung kết của vòng loại khu vực châu Á, tuyển Nhật Bản khởi đầu không tốt lắm chỉ xếp thứ nhì, kém đối thủ chính Uzbekistan đến 6 điểm. Sự điều chỉnh kịp thời của HLV Zaccheroni ở giai đoạn quyết định đã kịp mang lại niềm vui khi đội bóng của ông dẫn đầu bảng, giành vé chính thức đến thẳng Brazil trước khi vòng loại kết thúc.

Đáng nói hơn là Australia, đội xếp thứ 2 của khu vực, kém Nhật Bản đến 4 điểm, một khoảng cách không nhỏ trong bối cảnh mọi đội bóng chỉ có thể tích lũy từng điểm một.

Lá thăm may rủi đưa Nhật Bản rơi vào bảng C cùng với Hy Lạp, Colombia và Bờ Biển Ngà, những đối thủ “đồng cân, đồng lạng” khi không đội bóng nào từng vào đến tứ kết Cúp Thế giới.

Những yếu tố này mở ra cơ hội cho Nhật Bản đi tiếp vào giai đoạn 2, kể cả khả năng thành công ở vòng đấu chéo với các đối thủ xếp nhất, nhì bảng D - chắc chắn không phải là những đội quá mạnh như Brazil, Tây Ban Nha, Đức… Kỳ tích mà đoàn quân xứ sở Phù Tang đang trông chờ là hoàn toàn có cơ sở.

Với kinh nghiệm từng dẫn dắt nhiều đội bóng lớn ở Serie A như Juventus, Milan hay Inter, Zaccheroni thừa trải nghiệm để “nhìn” ra sơ đồ chiến thuật phù hợp với vóc dáng, thể lực và nhất là tư duy của các cầu thủ Nhật Bản. Ông mạnh tay biến cải đội hình 4-4-2 truyền thống sang 4-2-3-1 hoặc 3-4-3 nhằm sử dụng tối đa sự sáng tạo của hàng tiền vệ cùng sự năng động của các hậu vệ cánh Yuto Nagatomo và Atsuto Uchida.

Với một đội hình có nhiều cầu thủ tư duy chiến thuật tốt, đặc biệt là Keisuke Honda và Shinji Kagawa, Nhật Bản hoàn toàn có thể tiến xa trên hành trình tại Brazil mùa hè này. Việc không được tin dùng đúng mức tại Man.Utd không làm giảm tầm quan trọng của Shinji Kagawa và HLV Zaccheroni đặt trọn niềm tin vào cầu thủ từng có tên trong đội hình tiêu biểu Bundesliga, cũng là cầu thủ từng được xem là hay nhất châu Á.

Điểm mạnh

Mối đe dọa chính của tuyển Nhật ở vòng loại là trò chơi không chiến: 30% số bàn thắng mà họ ghi được là bằng đánh đầu - thông số cao thứ 7 trong 32 đội dự giải. Phần lớn những pha bóng bổng đó đến từ 2 cánh, nơi họ tận dụng những đòn chồng cánh, năng lực len lỏi của các cầu thủ chạy biên để tạt bóng từ nhiều cự ly, tạo ra một tỷ lệ rất lớn những bàn thắng cận thành.

Điểm yếu

Ghi bàn trên tổng thể cũng là một vấn đề của Nhật: Chỉ có 36% số trận đấu họ ghi nhiều hơn 1 bàn, mức thấp thứ 4 trong số các đội dự giải. Ghi bàn thắng vào cuối trận đấu cũng là điều rất hiếm với tuyển Nhật. Ở tuyến sau, họ tỏ ra mong manh trước những đòn tấn công từ cánh và vất vả để kềm giữ đối thủ bên ngoài khu phạt bóng.

Triển vọng

Bảng đấu (bao gồm Colombia, Bờ Biển Ngà, Hy Lạp) là một thách thức với tuyển Nhật và họ sẽ phải tận dụng tối đa cơ hội có được để giành suất vào vòng knock-out. Hy Lạp tỏ ra kém hẳn trong bóng bổng, nên Nhật có thể phát huy năng lực chơi đầu của mình. Lối chơi cánh không mang lại nhiều bàn thắng cho Hy Lạp và Bờ Biển Ngà, nhưng đấy cũng là nơi Nhật có thể chứng tỏ mình.

Theo Trần Phương - Nhật Tân
Theo SGGP
MỚI - NÓNG