Năm trận đấu đáng xem nhất vòng bảng World Cup

Ronaldo hướng tới danh hiệu cấp độ đội tuyển đầu tiên trong đời. Ảnh: AP
Ronaldo hướng tới danh hiệu cấp độ đội tuyển đầu tiên trong đời. Ảnh: AP
TP - Từ ĐKVĐ Tây Ban Nha đến chủ nhà Brasil hay ông lớn Italia, tất cả phải trải qua những trận cầu vòng bảng căng thẳng rồi mới có thể nghĩ đến vòng loại trực tiếp sau đó.

Tây Ban Nha - Hà Lan (ngày 13/6)

Trận đầu tiên bảng B là cuộc tái đấu chung kết World Cup 2010 giữa nhà vô địch Tây Ban Nha với á quân Hà Lan diễn ra tại thành phố Salvador. Ông Vicente Del Bosque mang đến Brasil với bộ khung từng đưa họ lên đỉnh thế giới tại Nam Phi bốn năm trước. Vẫn là Casillas, Pique, Iniesta hay Xavi tiếp tục là hạt nhân giúp Tây Ban Nha bảo vệ ngôi vua.

Trong khi đó, Louis Van Gaal mang đến Brasil một Hà Lan mới mẻ hơn nhiều so với bốn năm trước. Ngoài cựu binh như Robben hay Van Persie, Cơn lốc màu da cam xuất hiện thêm nhiều nhân tố mới, đặc biệt là hàng phòng ngự và vị trí thủ môn. Hà Lan đang chờ đợi để trả món nợ thua 0-1 bốn năm trước để tạo tiền đề lọt vào vòng loại trực tiếp lần thứ tám trong lịch sử.

Anh - Italia (14/6)

Thêm hai ông lớn châu Âu là Anh và Italia phải đối đầu nhau ở trận mở màn bảng D tại Manaus. Đội hụt bước trong trận “nội chiến” châu Âu này khả năng sớm phải xách vali về nước, bởi bảng đấu còn sự hiện diện của Uruguay của tiền đạo Luis Suarez. Hàng hậu vệ trứ danh Italia là thách thức lớn cho Rooney và các đồng đội trẻ, những người mới biết đến World Cup lần đầu tiên trong sự nghiệp.

 “Anh không phải là đối thủ thực sự của Italia,” ngựa chứng Balotelli đánh giá thấp khả năng tiến xa của Tam Sư.

Tuyển Anh chưa bao giờ đánh bại Italia tại một giải đấu lớn mà thất bại gần đây là tại Euro 2012. Sự kèn cựa đó còn lớn hơn khi trước trận thư hùng, tiền đạo Mario Balotelli có những phát biểu gây hấn rằng Tam Sư không có cửa vô địch World Cup. Đa số cầu thủ Anh không lạ gì Balotelli, nhưng với bản năng ngựa chứng bất kham, không ai dám chắc điều gì.

Đức - Bồ Đào Nha (16/6)

Cuộc chiến định mệnh ở bảng đấu được mệnh danh là bảng từ thần. Không ai ngạc nhiên nếu Đức hoặc Bồ Đào Nha sẽ giành vị trí nhất bảng G, nhưng để làm được điều đó họ cần phải dốc sức cho trận thư hùng không được phép mắc sai lầm tại Salvador.

Thành công tại các giải lớn gần đây cùng với việc cầu thủ đang trong độ chín của sự nghiệp, nên Đức được xem là ứng viên sáng giá cho chức vô địch. Ngược lại, Bồ Đào Nha không được đánh giá cao, nhưng không vì thế mà Ronaldo chấp nhận làm chiếu dưới.

Sau mọi danh hiệu ở cấp CLB lẫn cá nhân, đây là cơ hội cuối cùng để Ronaldo có được một danh hiệu lớn ở cấp đội tuyển. Mang băng đội trưởng, CR7 sẽ phải nỗ lực lớn hơn nhiều nếu không muốn một lần nữa ngậm ngùi nhìn đối thủ tước đi cơ hội lớn trong đời. Hạ Đức sẽ là bước đầu tiên để Ronaldo khẳng định tham vọng đó.

Brasil - Mexico (17/6)

Khi được hỏi liệu ông có sợ Mexico, HLV Luiz Felipe Scolari của đội tuyển Brasil đã phản ứng bằng câu nói: “Mexico luôn là đối thủ khó với chúng tôi”. Tuy nhiên, kết quả lịch sử cho thấy Mexico không chỉ là đối thủ khó như Scolari nói, mà đội bóng này còn là khắc tinh cho Brasil tại bất cứ giải đấu nào, ở bất cứ thời điểm nào.

Từ khi bóng đá thế giới bước sang thế kỷ mới, chưa đội bóng nào đánh bại Brasil nhiều lần hơn Mexico. Chiến thắng của Brasil trước Mexico tại Confederations Cup hè năm trước mới là chiến thắng đầu tiên của họ trước đối thủ đến từ CONCACAF trong một thập kỷ qua. Một lần nữa được chơi trên sân nhà, đây sẽ là cơ hội để Neymar cùng đồng đội tiếp tục viết lại lịch sử.

Uruguay - Anh (19/6)

Nếu Suarez khỏe mạnh, hàng phòng ngự Anh sẽ phải lo sốt vó. Chưa hết, đối tác của Suarez trên hàng công là Edinson Cavani, người ghi 25 bàn cho PSG mùa vừa rồi, cũng là mối đe dọa cho hàng thủ non kinh nghiệm đến từ xứ sở sương mù.

Uruguay có nhiều lựa chọn cho lối chơi tấn công, nhưng hàng phòng ngự lại là tuyến yếu nhất. Rooney và Gerrard sẽ phải tìm ra cách xuyên thủng mảnh lưới đối thủ trước khi để Suarez hay Cavani lên tiếng. Trong một trận đấu cân bằng, khoảnh khắc lóe sáng của Suarez hay Rooney sẽ tạo ra sự khác biệt.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.