VAR và cuộc tranh cãi không hồi kết ở World Cup 2018

Trọng tài trong “phòng lạnh” theo dõi VAR và đưa ra kết luận bàn thắng không được công nhận do việt vị trong trận Cameroon gặp Australia ở vòng bảng.
Trọng tài trong “phòng lạnh” theo dõi VAR và đưa ra kết luận bàn thắng không được công nhận do việt vị trong trận Cameroon gặp Australia ở vòng bảng.
TP - VAR (Video Assisstant Referee) - công nghệ video trợ lý trọng tài là một trong những câu chuyện gây tranh cãi nhiều nhất ở World Cup 2018. Và có một điều chắc chắn, VAR sẽ còn tiếp tục gây tranh cãi nếu tiếp tục được áp dụng ở các giải đấu sau.

VAR cho phép các trọng tài đưa ra các quyết định chính xác cũng như cơ hội để sửa sai. Dù đã được sử dụng ở nhiều giải đấu nhưng đây là lần đầu tiên, FIFA áp dụng VAR ở một kỳ World Cup.

Dù tranh luận diễn ra khá nhiều, nhưng có lẽ vẫn khá ít người rành mạch cách thức sử dụng VAR ở các trận đấu. Theo Telegraph, VAR chỉ được sử dụng trong 4 trường hợp: bàn thắng, penalty, thẻ đỏ trực tiếp và nhận diện sai lầm. Một ví dụ cho trường hợp thứ 4 có thể kể tới trận đấu giữa Arsenal và Chelsea năm 2014. Oxlande Chamberlain (Arsenal) là cầu thủ phạm lỗi, nhưng trọng tài lại truất quyền thi đấu của…Kieran Gibbs. Việc giới hạn “quyền năng” của VAR ở 4 trường hợp trên nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của VAR vào diễn biến trận đấu.

Lý thuyết là thế nhưng thực tế tại World Cup 2018, tranh cãi đã nổ ra liên tục xoay quanh chuyện sử dụng VAR. Theo thống kê của Ủy ban Trọng tài FIFA, chỉ sau vòng đấu bảng, đã có 335 tình huống được theo dõi bởi VAR, nhưng không phải quyết định nào của trọng tài cũng làm thoả mãn người trong cuộc, và dĩ nhiên, cả các CÐV.

Vấn đề mấu chốt ở đây là chỗ, các đội bóng không có quyền được đòi xem lại một tình huống diễn ra trên sân bằng VAR. Quyền hạn này chỉ thuộc trọng tài chính và tổ trọng tài tư vấn ngồi ở phòng lạnh. Thêm vào đó, không phải tình huống nào quyết định của trọng tài đưa ra sau khi đã có sự hỗ trợ từ VAR thuyết phục được người xem. Một ví dụ như trận thắng 2-1 của Pháp trước Úc, dù pha ngã trong vòng cấm của Antoine Griezmann không thực sự rõ ràng, đại diện châu Âu vẫn được hưởng quả phạt đền. Hay như bàn thắng thứ 2 của Tây Ban Nha do Aspas ghi, giúp đội bóng này hoà 2-2 Morocco đã được trọng tài Irmatov công nhận sau khi sử dụng VAR. Ðội bóng Bắc Phi đã phản đối dữ dội quyết định này. Các CÐV Morocco sau trận đã cáo buộc World Cup chỉ là một phi vụ kinh doanh của FIFA, và những đội bóng lớn như Tây Ban Nha hưởng lợi. Trên truyền hình, các chuyên gia bóng đá thế giới cũng tranh luận om tỏi, không ai chịu ai.

Dù còn nhiều ý kiến gây tranh cãi nhưng không thể phủ nhận, VAR đã tạo thêm một cung bậc khác về cảm xúc trong bóng đá. Giờ đây, mỗi trận đấu người xem có thể nín thở dõi theo trọng tài chính sau mỗi tình huống VAR được sử dụng. Và cũng nhiều khả năng, VAR sẽ tiếp tục được FIFA áp dụng ở các kỳ World Cup tới. Theo như khẳng định của trưởng ban Trọng tài FIFA Pierlugi Colinna, công nghệ VAR giúp cho độ chính xác trong các quyết định của trọng tài tăng từ 95% lên tới 99,3%.

MỚI - NÓNG