World Cup 'Made in China'

Những “cô” búp bê Matryoshka vốn là biểu tượng văn hóa của người Nga cũng được sản xuất thô hàng loạt tại Trung Quốc và người Nga chỉ làm công đoạn vẽ hình. Chỉ số ít do chính các nghệ nhân Nga làm toàn bộ và có giá rất đắt. Ảnh: N.P
Những “cô” búp bê Matryoshka vốn là biểu tượng văn hóa của người Nga cũng được sản xuất thô hàng loạt tại Trung Quốc và người Nga chỉ làm công đoạn vẽ hình. Chỉ số ít do chính các nghệ nhân Nga làm toàn bộ và có giá rất đắt. Ảnh: N.P
TP - Nước Nga đang hướng tới một kỳ World Cup thành công trên nhiều khía cạnh. Nhưng có vẻ như không chỉ Nga, người Trung Quốc cũng có thể mỉm cười vì những lợi ích thu về. Quan hệ tốt đẹp giữa Bắc Kinh và Moscow vẻ như đã khiến chuyện làm ăn giữa đôi bên càng trở nên thuận lợi.

Trong trận đấu giữa Anh và Bỉ hôm 28/6, bảng điện tử trên sân vận động Kaliningrad liên tục nhấp nháy tên tập đoàn Wanda (Trung Quốc). Với giới hâm mộ bóng đá Việt Nam, cái tên Wanda ắt không còn xa lạ.

Wanda thuộc sở hữu của tỷ phú người Trung Quốc Wang Jianlin, và chính là công ty mẹ của Infront Sports & Media (ISM), đơn vị nắm quyền phân phối bản quyền World Cup 2018 khu vực châu Á - Thái Bình Dương. ISM đã thành tâm điểm trong thương vụ đàm phán bán bản quyền truyền hình World Cup 2018 cho Đài truyền hình Việt Nam (VTV) cách đây chưa lâu.

ISM vốn là công ty tiếp thị thể thao có trụ sở ở Zug, Thuỵ Sĩ, từ năm 2015 đã bị tập đoàn Wanda thâu tóm với số tiền 1,2 tỷ USD. Không chỉ thâu tóm bản quyền truyền hình giải bóng đá lớn nhất hành tinh, người Trung Quốc còn in đậm dấu ấn tại World Cup 2018 đang diễn ra tại Nga với các dịch vụ hàng hoá ăn theo.

Sáng 30/6 sau khi từ Kaliningrad bay lại thủ đô Moscow, tôi đã có dịp tham quan khu phố cổ Arbat, nơi nổi tiếng là một điểm thu hút nhiều du khách nước ngoài khi tới Nga. Tại đây, bên cạnh các cửa hàng ăn uống, quán cà phê, có khá nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm. Trong số này rất nhiều là đồ lưu niệm World Cup 2018, từ quần áo tới móc khoá, búp bê Matryoshka, mũ, cốc, bóng…Giá cả thường đắt hơn hẳn so với những sản phẩm cùng loại bày bán ở những khu vực khác.

Tại một cửa hàng lưu niệm khá lớn, tôi lật tìm trong số bóng và bình đựng nước tại đây, thì tất cả đều dán nhãn “Made in China”, hoặc “Made in PRC” (People Republic of China). Thoảng mới thấy có một sản phẩm liên quan tới World Cup mang nhãn “Made in Russia”. Một quả bóng World Cup có giá 4.500 rúp (khoảng 1,6 triệu đồng), bình đựng nước 4.000 rúp, mũ 2.450 rúp…

Qua một quầy hàng khác, tình trạng cũng tương tự khi hầu hết sản phẩm đều có nhãn “Made in China”. Thấy tôi tỏ ra phân vân khi cầm một chiếc cốc ngắm nghía và hỏi về nguồn gốc, nhân viên tại đây vừa chỉ vào chiếc tem dán ở trên vừa nói: “Đây là hàng do Trung Quốc sản xuất nhưng có dán tem, tức là sản phẩm chính hãng được FIFA duyệt. Anh có thể yên tâm mua”.

Ngoài Moscow, tại các thành phố khác đăng cai World Cup 2018 của Nga như Kazan, Saint Peterburg, Kaliningrad…các sản phẩm lưu niệm hầu hết đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sản phẩm được bày bán ở nhiều nơi: khu vực Fan Fest, nhà ga, quầy lưu niệm, sân vận động.

World Cup 'Made in China' ảnh 1 Các món đồ lưu niệm World Cup 2018 được bày bán khắp nơi ở Nga dịp này. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều được sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh N.P

Matryoshka cũng “made in China”

Quan hệ đang tốt đẹp giữa Nga và Trung Quốc vẻ như cũng khiến cho chuyện làm ăn giữa đôi bên trở nên thuận lợi hơn, ở các cấp độ khác nhau. Tại phố cổ Arbat, tôi gặp Hoạt, một thanh niên Việt Nam đã sống ở Nga 17 năm, cưới vợ Nga và đã có thẻ xanh. Khi được tôi nói tới chuyện hàng hoá có nguồn gốc Trung Quốc tràn ngập khắp nơi, Hoạt cho biết không chỉ các sản phẩm liên quan tới World Cup 2018, rất nhiều sản phẩm khác của Nga hiện nay đều có xuất xứ từ Trung Quốc.

Một ví dụ điển hình có thể kể tới búp bê Matryoshka, biểu tượng văn hoá của người Nga. Theo Hoạt, bạn anh làm dịch vụ vận tải ở Nga từng thực hiện nhiều chuyến vận chuyển sản phẩm búp bê thô (chưa vẽ), được sản xuất đồng loạt rồi đưa từ Trung Quốc sang Nga. Người Nga chỉ làm công đoạn sau, là vẽ búp bê.

“Hiện nay chỉ còn một số nghệ nhân ở Nga thực sự làm và vẽ búp bê Matryoshka, những sản phẩm đó đều được ký tên riêng và rất đắt so với sản phẩm làm đồng loạt”-Hoạt nói. Về chuyện này, tôi đã từng được nhân viên một quầy lưu niệm ở Saint Petersburg cho xem những “cô” búp bê Matryoshka có gắn kèm chữ ký của nghệ nhân tạo ra.

Nước chủ nhà Nga đang hướng tới một kỳ World Cup thành công trên nhiều khía cạnh: sự hấp dẫn, kịch tính của các trận đấu, cảnh tượng sôi động trên khán đài và an ninh được đảm bảo ở mức độ cao. Nhưng chỉ xét riêng khía cạnh làm ăn, vẻ như người Trung Quốc cũng có quyền được xoa tay hài lòng.

MỚI - NÓNG