Xem World Cup kiểu Sing

Tác giả (trái) tại bến Clarke. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.
Tác giả (trái) tại bến Clarke. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.
TP - Nom bề ngoài thì một đất nước đa văn hóa như Singapore không mặn mà lắm với World Cup, nhưng ở bên dòng sông, trên bến thuyền cổ xưa còn sót lại tới ngày nay, người ta thưởng thức bóng đá theo cách rất riêng với sự ồn ào và lãng mạn khác thường. 

Trắng đêm trong bến Clarke

“World Cup đá lúc nửa đêm và ở quốc đảo này chỉ có duy nhất một nơi anh có thể xem bóng đá vào giờ đó, đấy chính là bến Clarke” – một người gốc Hoa ở khu phố cổ nói với tôi như vậy. Các siêu thị cửa hàng đều đóng cửa lúc 10 giờ tối (tương đương 9 giờ của Việt Nam) bởi vậy quán xá quanh đó cũng đều đóng cửa im ỉm. Khách sạn nơi tôi ở có tên Seacare được giới thiệu có chi nhánh ở nhiều nước, nhưng ti vi khách sạn nhiều hôm không phát sóng giải bóng đá lớn nhất hành tinh. Dọc các con phố quanh đó, buổi tối vẫn có những quán nhậu nhỏ, tôi cố gắng đi bộ để tìm chỗ xem, những chiếc ti vi vẫn mở, song không thấy phát bóng đá. Chương trình thời sự bằng tiếng Anh đưa tin về bơi lội, điền kinh và bất ngờ thông báo hiện có trận đấu trong khuôn khổ giải World Cup đang diễn ra, kèm vài hình ảnh các cầu thủ mà không có clip, sau đó chuyển sang tin tức khác. Báo tiếng Anh buổi sáng đưa hình ảnh World Cup ra trang bìa nhưng bài vở rất ít.

Bến Clarke hoàn toàn khác. Nơi đây, chẳng có gì ngoài bóng đá. Phố đêm cổ xưa nhất quốc đảo sư tử với những quán cà phê, quán bia, bar tràn ngập màn hình ti vi treo trong quán, treo trên tường, dày đặc như thể một con phố chuyên bán ti vi vậy. Tất cả đề phát World Cup. Hoàng, một hướng dẫn viên du lịch lâu năm nói với tôi: “Em thường đưa khách tới bến Clarke xem cúp C1, xem World Cup. Du khách thích không khí thoải mái ở bến du lịch này. Thường thì quán mở tới 3 giờ sáng, có bóng đá sẽ tiếp tục phục vụ”.

Những tấm pano về World Cup 2018 tổ chức tại Nga được in khổ lớn nom rất chuyên nghiệp. Nhân viên trong các quán mặc đồng phục được may riêng cho mùa bóng đá bởi được in hình những trái bóng và thậm chí nhân viên chạy bàn còn hóa trang thành những cầu thủ nổi tiếng của Brazin, Anh, Pháp… nom rất lạ mắt.

Bến đêm Clarke không thể so với phố Tây ở Việt Nam về mức độ nhộn nhịp, nhưng nó lại tỏ ra chuyên nghiệp hơn hẳn không chỉ ở cách phục vụ mà những màn hình lớn phục vụ khách xem bóng đá được lắp đặt ở các góc độ khác nhau khiến cho khách ngồi ở góc nào cũng đều có thể xem được. Người dân địa phương nói với tôi rằng trước kia nơi đây là một bến cảng tồi tàn, nước đen ngòm và hôi hám, mất khoảng 10 năm dọn dẹp để xây dựng nên một cái phố đêm vừa có những nét cổ kính lại vừa hiện đại. Những quán nhỏ, sạch sẽ, nối nhau nằm bên dòng sông, không cho khách lưu trú và cũng chẳng bán quà lưu niệm hay tranh ảnh gì, tất cả đều phục vụ cà phê, bia, đôi chỗ là những quán kem. Lúc này, tất cả đều chiếu bóng đá và nó trở thành con phố duy nhất ở quốc đảo chiếu World Cup thâu đêm. 

Xem World Cup kiểu Sing ảnh 1 Cô gái Singapore trong mùa World Cup.

Bóng đá và nhạc jazz

Cư dân Singapore đa phần là người Hoa, người Malaysia và người Ấn Độ, nhưng khác với các xứ ấy, người dân sinh sống lập nghiệp ở Singapore rất thích nhạc jazz. Vừa bước chân xuống sân bay tôi đã nghe nhạc jazz và ở các quán xá cũng thường mở thứ nhạc mà nhiều nơi cho là “khó nghe”. Bến Clarke có lẽ là một thiên đường cho thứ âm nhạc ngẫu hứng với nhiều ban nhạc trình tấu bốc lửa và thân thiện.

Có lẽ không ở đâu mà bóng đá và nhạc jazz lại được kết hợp tài tình như ở phố đêm Clarke này. Du khách và người bản xứ ngồi kín trong các quán xá để vừa xem ban nhạc biểu diễn nhạc jazz và vừa xem bóng đá. Những màn hình bóng đá được treo cao hơn, ban nhạc ngồi phía dưới, Một số quán đưa màn hình ra cửa còn ban nhạc ngồi lùi sâu trong phòng để chơi.

Cùng lúc, các cầu thủ đi bóng và sút thì những nghệ sĩ chơi nhạc jazz vẫn tiếp tục những bài hát của họ như không biết chuyện gì xảy ra và quả thật từ vị trí ngồi của mình, những tay trống, guitar đều không thể nhìn được màn hình. Họ cũng khó mà biết kết quả ai thắng ai thua, vì khách hàng đến từ nhiều nước và ủng hộ nhiều đội bóng khác nhau. Nhiệm vụ của ban nhạc lúc này là cổ vũ cho tất cả và mỗi khi bàn thắng được ghi, những tiếng cười xen lẫn những sự tiếc nuối tràn ngập thì người ca sĩ sẽ chọn ca khúc nào tiếp theo cho phù hợp.

Anh Lý, một người gốc Hoa nói: “Nghệ sĩ diễn ở đây đến từ đủ mọi quốc tịch. Họ có thể là ban nhạc Phillipines, Anh, Mỹ, Pháp cũng có thể là chính các nghệ sĩ Singapore”.  Khác với các nhóm nhạc chơi ở phố Tây tại Việt Nam, chủ yếu chơi nhạc rock khá ồn ào và phải nghỉ sớm thì những nghệ sĩ nhạc jazz tại bến Clarke, với thứ nhạc truyền cảm nhẹ nhàng và sâu lắng hơn, vẻ như càng khuya lại càng chơi hay hơn, càng được tán thưởng. Những trận đấu về khuya càng thêm hấp dẫn thì những khúc nhạc đêm lại càng da diết và trữ tình!

Xem World Cup kiểu Sing ảnh 2 Nữ nghệ sĩ chơi nhạc để cổ vũ bóng đá.

Dấu tích lịch sử

Vào lúc nửa đêm, Hoàng, tôi và những du khách Việt Nam cùng nhiều du khách các nước vẫn dán vào màn hình ti vi để thưởng thức những pha bóng ngoạn mục. Hoàng làm hướng dẫn viên du lịch đã 6 năm, nói: “Ở Việt Nam thì uống bia thoải mái, còn tại Singapore việc mua bán bia rượu chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, nhất là sau 10 giờ đêm. Riêng Clarke Quay thì khác, nơi này từ xưa tới giờ vẫn giữ được cho mình một nét riêng”.  

Clarke Quay là tên gọi của bến đêm vốn được đặt tên từ năm 1896. Nó là một sản phẩm lịch sử độc đáo. Singapore đất chật người đông, các cao ốc mọc lên rất nhiều và có tới 80% dân cư sống trong chung cư. Ấy vậy mà ở vị trí đắc địa nhất, chính là cái bến thuyền cổ xưa của quốc đảo vẫn được bảo tồn để làm phố đêm, trên bờ là những quán cà phê và quán nhạc, dưới sông là những con tàu du lịch bằng gỗ. Dự án có tên Clarke Quay Festival Village đã thay đổi bến củi năm xưa thành một tụ điểm văn hóa mang tính quốc tế.

Clarke Quay có lẽ là một làng văn hóa châu Âu nằm ngay trong lòng quốc đảo sư tử bởi nó chìm đắm trong âm điệu nhạc jazz và bóng đá. Những nghệ sĩ sân cỏ và nghệ sĩ tự do làm nên một màu sắc khác cho Singapore về đêm. Chúng tôi ngồi xem bóng đá trong một quán bia tươi nhưng ở đó cũng bán cả sinh tố, nước ngọt. Giá một món đồ uống khoảng từ 2 - 10 USD, tuy nhiên tiền sử dụng ở đây là đồng Đô la Singpore. Trong quán có treo một mô hình máy bay rất lớn. Đa phần người xem bóng đá là khách du lịch châu Âu. Tim, một sinh viên đến từ Úc nói: “Tôi tự hào khi hầu hết mọi người đều biết đến đội tuyển của chúng tôi. Có mặt trong  giải đấu lớn như World Cup và thi đấu với các đội bóng vĩ đại là điều không hề dễ dàng”.

Ngay sau lưng chúng tôi, một quán nhạc với ban nhạc có lẽ là của các bạn trẻ Singapore thu hút khá đông người châu Á. Ngay cạnh đó, một ban nhạc acoustic với cô ca sĩ người châu Âu khá duyên dáng và xa hơn chút nữa là một ban nhạc đa quốc tịch. Nhiều ban nhạc biểu diễn ở phố đêm này được xếp vào top những ban nhạc tốt nhất tại Singapore hiện nay và mức giá đồ uống khoảng 10 đô la Singapore (khoảng 170.000 đồng Việt Nam). Rất nhiều ban nhạc tại Singapore chơi trong các quán bar, nhà hàng và họ được giới thiệu kèm với thực đơn chính của nhà hàng. Tại Clarke cũng vậy, các bar thường phục vụ đồ ăn nhẹ chứ không bán bia suông như nhiều bar ở Việt Nam. Xem bóng đá, nghe nhạc và ăn nhẹ gì đó là sở thích của cư dân bến Clarke.

Quả thật, nếu nửa đêm ở TPHCM người ta vẫn nghe tiếng hô “vào vào” thì tại Singapore mọi thứ đều yên tĩnh lúc nửa đêm dù Ronaldo hay Messi đang thi đấu. Chỉ có ở phố đêm bến Clarke thì những tiếng reo hò xen lẫn tiếng âm nhạc mới không bao giờ dứt. Trong mùa bóng đá này, khán giả hào hứng tới với những quán bar bóng đá hơn, nhưng ở chiều ngược lại, chính những nghệ sĩ cũng kéo khán giả Singapore tới với bóng đá. Anh Hua, một người dân ở khu phố cổ nói: “Dân chúng tôi đa số thích bóng rổ và bóng bàn. Gần đây, sân bóng đá xây dựng nhiều hơn và các cháu bé chơi bóng đá nhiều hơn”.

Ở Singapore người dân vẫn còn chưa quan tâm nhiều tới bóng đá. Chính các nghệ sĩ của Singapore và nghệ sĩ quốc tế luôn giới thiệu và làm nóng tình cảm của dân xứ đảo sư tử với trái bóng tròn. Ban nhạc Crazy Elephant viết trên facebook của họ rằng: “Các bạn hãy ủng hộ World Cup, hãy đến xem âm nhạc và đừng quên mặc những chiếc áo của đội bóng mà bạn ủng hộ”.  Đáp ứng lời kêu gọi của các  nghệ sĩ, người dân tập trung xem bóng đá ngày càng nhiều hơn.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.