Brazil: Ở tận cùng tủi nhục

Brazil: Ở tận cùng tủi nhục
TPO - Cứ ngỡ rằng những đòn roi người Đức sẽ có thể đánh thức một chút phẩm giá cuối cùng nào đó còn sót lại của Selecao. Nhưng không, cuộc “lăng trì” ấy vẫn là chưa đủ. Brazil còn phải uống nốt một chén nhục nữa để nhận ra rằng họ đang là ai.

1. Đã hứa là sẽ làm tất cả vì chiến thắng cho trận tranh hạng ba – món quà lưu niệm tầm phào – này, nhưng Scolari vẫn chỉ có thể thúc thủ xin hàng. Đoàn quân của ông không có nổi một điều gì đó, vì đầu tiên là họ chẳng có khả năng đề đòi hỏi bất cứ điều gì từ số mệnh.

Đẳng cấp! Đã bao giờ từ Hà Lan tới Selecao, lại hiện hữu một khoảng cách mênh mông đến vậy về đẳng cấp? Romario, Bebeto và Branco của USA 94 chỉ có thể thở dài. Ronaldo và Rivaldo của France 98 chỉ có thề ôm mặt. Đến cả Kaka và Robinho của năm 2010 cũng phải lắc đầu.

Thắng bại không còn là vấn đề. Vấn đề là Brazil đã thắng và bại trước Hà Lan như những đối thủ xứng đáng được tôn trọng, chứ không phải trong tư cách những kẻ học việc. Chẳng cần phải là Zidane, Robben đủ tài năng để “thị phạm” cho Selecao thế nào là kỹ thuật cá nhân!

2. 180 phút cuối cùng của giải đấu mà họ từng tự đặt cho mình địa vị ứng cử viên vô địch, Brazil ghi được một bàn thắng, và nhận 10 bàn thua, trước những kẻ chinh phục đích thực.

Những con số nói lên tất cả, từ kỹ năng, tiềm lực tới sức mạnh tinh thần. Muốn thắng, rất muốn, nhưng Big Phil có thể làm được gì với những con người này? Mà không chỉ ông, chẳng nhà cầm quân nào có thể thành công với một đám zombies khật khưỡng chạy trên sân, khi đã đánh mất cả linh hồn lẫn trí tuệ.

Và đó là lỗi của ông, người đã cố gắng biến những nghệ sĩ đường phố thành một bọn đua đòi chơi bóng dài kiểu Anh. Chẳng cần cái thứ tinh thần thực dụng châu Âu, điệu samba truyền thống vẫn đủ sức mang về 5 ngôi sao trên ngực áo, điều chưa một nền bóng đá nào khác thực hiện nổi.

Thế mà người ta vẫn chấp nhận sự thay đổi về tư tưởng này một cách kỳ cục. Điều đó lại không phải lỗi của riêng Scolari, mà nó thuộc về toàn bộ cách điều hành của Liên đoàn bóng đá Brazil.

3. Trên khán đài trận tranh HCĐ này có một biểu ngữ: “Felipao, thanks for 2002. Hope never see you again!!!!” (Xin cảm ơn về năm 2002, nhưng hy vọng không phải thấy mặt ông lần nữa).  

Éo le thay, sự mạt sát ấy vẫn còn là đáng trân trọng. Bên cạnh nó, nhìn Selecao chơi bóng như đang chịu khổ hình, không ai còn khóc nữa.

Không phải người ta tê liệt vì nỗi đau. Chỉ là người ta đã quen với nỗi đau, đủ để vẫn tạo sóng người, nhảy múa cười cợt, làm dáng trước ống kính…Người ta chỉ nhíu mày khi nhìn Julio Cesar lồm cồm vào lưới nhặt bóng. Một Brazil bé nhỏ và tội nghiệp không còn là điều gì kinh khủng nữa, ở tận cùng tủi nhục.

Có Neymar trong sân, chắc mọi chuyện vẫn sẽ rệu rã và hoang tàn như thế. Cơn khô hạn niềm tin sẽ còn kéo dài, chẳng biết đến bao giờ, khi BFC vẫn chỉ vận hành như một cỗ máy in tiền. Mà hai năm nữa đã lại là Olympic Rio de Janeiro.

MỚI - NÓNG