Kinh tế Nghệ An 8 tháng đầu năm 2015 tiếp tục ổn định và phát triển

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc và Chủ tịch tỉnh Nguyễn Xuân Đường thăm một nhà máy tại KCN Nam Cấm- huyện Nghi Lộc
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Đức Phớc và Chủ tịch tỉnh Nguyễn Xuân Đường thăm một nhà máy tại KCN Nam Cấm- huyện Nghi Lộc
TP - Tình hình kinh tế của Nghệ An 8 tháng đầu năm 2015 giữ vững ổn định và tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Một số dự án lớn đã và đang được khởi động, từng bước thay đổi diện mạo của Tỉnh đầu tàu khu vực Bắc Trung bộ.

Ngay từ đầu năm UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 406/QĐ-UBND ngày 29/01/2015 cụ thể hóa các giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ. Năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015; là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn Nghệ An 8 tháng năm 2015 tăng 9,03% so cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 11,86%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,21% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2015, một số sản phẩm công nghiệp có mức tăng khá là: đá xây dựng (1,94 triệu m3, tăng 23,19%), sợi (10 triệu tấn, tăng 12,83%), xi măng (1.179,8 nghìn tấn, tăng 21,9%), gạch granit (1,6 triệu m2, tăng 24,56%). Sản xuất nông nghiệp đến nay cơ bản đã hoàn thành vụ lúa mùa, ước tính gieo cấy được 41.500 ha, đạt 103,75% kế hoạch, tăng 8,12% so với năm 2014; Chăn nuôi trâu, bò và gia cầm phát triển tốt (tổng đàn đều tăng so với cùng kỳ, trong đó tổng đàn bò tăng hơn 8%). Sản lượng khai thác thủy sản đạt 105.726 tấn, tăng 6,4%. Có 16 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 49 xã.

Về lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa lũy kế 8 tháng đạt 26.430,89 tỷ đồng, tăng 10,44% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ (trừ dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành) tháng 8 đạt 341,55 tỷ đồng, lũy kế đạt 2.644,55 tỷ đồng, tăng 3,89% cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu hàng đạt 277,85 triệu USD. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 năm 2015 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 1,36% so với tháng 12/2014. 

Tỉnh Nghệ An phối hợp với Ngân hàng BIDV tham mưu kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển du lịch Nghệ An trong mối liên kết di sản văn hóa các tỉnh Bắc-Nam Trung bộ”; chuẩn bị kế hoạch tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch đường bộ và đường hàng không Việt Nam-Lào-Thái Lan ở Khonkèn (Thái Lan). Đầu năm lại nay, tổng lượt khách lưu trú đạt 2,87 triệu lượt người, trong đó khách quốc tế 44 ngàn lượt. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt 3.663,97 tỷ đồng; Khối lượng luân chuyển hàng hóa 1.625,89 triệu tấn/km; khối lượng hành khách luân chuyển 2.956,85 triệu hành khách/km, tăng 11,28%. Doanh thu vận tải đạt 4.268,42 tỷ đồng.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp và chỉ đạo, điều hành hợp lý, tình hình thu ngân sách 8 tháng đầu năm 2015 đạt 5.503,04 tỷ đồng, đạt 67,2% dự toán, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa 4.863,04 tỷ đồng, đạt 70,7% dự toán và tăng 21,7% so với cùng kỳ.

Tăng cường thu hút đầu tư

Kinh tế Nghệ An 8 tháng đầu năm 2015 tiếp tục ổn định và phát triển ảnh 1

Khởi công nhà máy Hoa Sen Nghệ An tại KCN Đông Hồi

Hoạt động xúc tiến thu hút nguồn vốn đầu tư được tỉnh chú trọng. Quan hệ giữa Nghệ An với các doanh nghiệp; với các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh bạn được tăng cường nhằm thúc đẩy, tìm kiếm các cơ hội đầu tư.

Thời gian qua, tỉnh đã: phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Chương trình “Gặp gỡ địa phương - Ngoại giao Đoàn 2015”; tiếp xúc, làm việc với các Đại sứ, Đại biện và Trưởng đại diện ngoại giao của 33 nước và tổ chức quốc tế; đã tổ chức đón tiếp, làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương; đoàn công tác của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); Đoàn công tác của Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan; Đoàn công tác của Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore và Tập đoàn SEMBCORP,... nhằm hợp tác đầu tư, tuyên truyền, giới thiệu quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của Nghệ An. 

Tập trung thu hút một số dự án công nghiệp lớn trên các lĩnh vực chế biến nông-lâm-thủy sản và đồ uống, công nghiệp chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp điện, dệt may, điện tử... Vì vậy, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp lớn được đầu tư xây dựng, nâng cấp: Nhà máy Tôn Hoa Sen (tại KCN Nam Cấm và TX Hoàng Mai), Nhà máy xi măng Sông Lam (tại Đô Lương và 12/9 Anh Sơn), Trung tâm thương mại Nguyễn Kim, Dự án Trung tâm Công nghiệp Thực phẩm Masan miền Bắc, Nhà máy ván nhân tạo MDF, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu D, Khu công nghiệp Nam Cấm, Dự án đầu tư bến số 5, số 6, bến cảng Cửa Lò, hệ thống cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch tại TP Vinh.vv... 

Đồng thời, tích cực chuẩn bị cho lễ động thổ dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An; phối hợp VCCI tổ chức Hội thảo “Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Khu vực Bắc Trung bộ” tại TP Vinh; tham dự Lễ ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ vốn dự án nhà máy xi măng Tân Thắng tại Hà Nội…
Kinh tế Nghệ An 8 tháng đầu năm 2015 tiếp tục ổn định và phát triển ảnh 2

Công viên trung tâm- lá phổi xanh của TP Vinh nhìn từ trên cao

Tính đến ngày 17/8/2015, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh cho 118 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 37.633,58 tỷ đồng; trong đó, 91 dự án cấp mới giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 38.654,33 tỷ đồng; thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 840 doanh nghiệp, tăng 19,48% cùng kỳ; chuẩn bị nội dung phục vụ Hội nghị đối thoại doanh nghiệp và nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức tại Vinh trong thời gian tới đây. Toàn tỉnh đã triển khai 11/14 lớp bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân theo kế hoạch năm 2015.

Bên cạnh đó, Nghệ An đã tích cực đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn; Coi việc đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm giữ vững sự ổn định và phát triển, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

“Để bảo đảm thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch của năm 2015, các ngành, các cấp cần tiếp tục khắc phục khó khăn, thách thức; thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương. Từ nay đến cuối năm phải tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau đây: đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển; thực hiện tốt nhiệm vụ thu, chi ngân sách trên địa bàn; chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2015 và cả nhiệm kỳ 2010-2015”, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường cho biết.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.