Thêm DN buýt chạy tuyến Mỹ Đình - Tế Tiêu: Lợi bất cập hại

Thêm DN buýt chạy tuyến Mỹ Đình - Tế Tiêu: Lợi bất cập hại
Thông tin một doanh nghiệp xin mở mới tuyến buýt từ Mỹ Đình đến Tế Tiêu khiến các doanh nghiệp xe buýt đang kinh doanh trên tuyến đường này hoang mang. Nhiều ý kiến cho rằng, không nên thêm đưa thêm xe buýt vào hoạt động trên tuyến đường chỉ rộng có 8m vốn đang phải “cõng” quá nhiều phương tiện.

Trên tuyến Mỹ Đình - Tế Tiêu hiện đã có khá nhiều xe buýt hoạt động. Cụ thể, CTCP Dịch vụ và vận tải Bảo Châu đang hoạt động ổn định trên tuyến (trước đó là tuyến Hà Đông - Tế Tiêu) với 26 xe, tần suất 180 lượt/ngày các ngày thứ 6, 7, chủ nhật và thứ 2 hàng tuần; tần suất 150 lượt/ngày các ngày thứ 3, 4, 5 hàng tuần. CTCP Xe khách Hà Tây cũng đang có 20 xe hoạt động ổn định trên tuyến buýt số 75 Yên Nghĩa - Hương Sơn, có lộ trình trùng với tuyến buýt Mỹ Đình - Tế Tiêu với tần suất 95 lượt/ngày. Ngoài ra, CTCP Dịch vụ và vận tải Bảo Châu cũng đang khai thác tuyến Mỹ Đình - Thường Tín với 12 xe, tần suất 60 lượt/ngày, cao điểm 20 phút/lượt, thấp điểm 30 phút/lượt.

Như vậy, trên tuyến đường từ Mỹ Đình - Tế Tiêu, chỉ với cự ly 45km, mặt cắt đường từ Ba La về Tế Tiêu nhỏ hẹp (8m), hiện đã có khoảng trên 300 lượt xe buýt hoạt động một ngày, đủ phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Đó là chưa kể đến trên 10 tuyến buýt cố định khác cũng hoạt động trên tuyến đường này với số lượng trên 30 đầu xe/ngày.

Thêm cạnh tranh, có tăng chất lượng?

Thực tế, cũng có một số quan điểm cho rằng không chỉ trên tuyến buýt Mỹ Đình - Tế Tiêu mà trên bất kỳ tuyến buýt nào, nếu đưa thêm doanh nghiệp (DN) vào khai thác sẽ tạo tính cạnh tranh, từ đó các DN phải nâng chất lượng dịch vụ để hút khách. Quan điểm này thoạt nghe có vẻ hợp lý, song với vận tải hành khách công cộng thì lại chưa hẳn đúng. Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành GTĐT khẳng định VTHKCC bằng xe buýt không đặt vấn đề cạnh tranh lên cao. Như hiện nay, với các tuyến buýt xã hội hóa, cơ quan quản lý sẽ thiết kế tuyến, khảo sát nhu cầu đưa ra đầu bài, DN nào đáp ứng được với chi phí thấp nhất sẽ trúng thầu. Nói như vậy để thấy, với VTHKCC, cạnh tranh không phải là tiêu chí được đề cao để nâng chất lượng dịch vụ. Thành phố đã đưa ra một chuẩn chung cho hoạt động của xe buýt và các DN đều phải tuân theo chuẩn chung này.

Việc Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Trường Xuân đang xin mở mới tuyến buýt trên tuyến đường Mỹ Đình - Tế Tiêu, có 2 vấn đề đặt ra. Một là dừng hoạt động của DN hiện đang khai thác (DN Bảo Châu) và đưa Trường Xuân vào khai thác. Khả năng này khó xảy ra bởi gần đây nhất, ngày 29/3, Sở GTVT Hà Nội đã có Văn bản số 758/GTVT-QLVT gia hạn thời hạn vận chuyển hành khách cho tuyến Mỹ Đình - Tế Tiêu đến khi thành phố chấp thuận đặt hàng 10 tuyến chuyển đổi từ loại hình buýt không trợ giá sang hình thức đặt hàng có trợ giá từ ngân sách Thành phố. Hơn nữa, đến thời điểm này, tuyến buýt Bến xe Mỹ Đình - Tế Tiêu do DN Bảo Châu khai thác đang hoạt động ổn định. Ông Nguyễn Hoàng Hải cũng khẳng định Trung tâm chưa nhận được phản ánh gì đáng kể về chất lượng phục vụ trên tuyến buýt này. Về cơ bản, tuyến buýt này đang phục vụ rất tốt không có vi phạm.

Trường hợp thứ 2, giữ nguyên như hiện tại và tăng thêm DN, phương tiện tham gia hoạt động trên tuyến. Phương án này sẽ làm tăng thêm lưu lượng xe hoạt động trong khi lượng khách không tăng. Lượng xe buýt và DN vận tải kinh doanh trên tuyến đã khá lớn, nếu bổ sung thêm sẽ dẫn tới nguy cơ ùn tắc giao thông. Ngoài ra, không ít người đang nghĩ đến khả năng sẽ có cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN, dẫn tới mất trật tự xã hội và ATGT. Những vụ việc xảy ra trên QL5 thời gian qua do cạnh tranh vận tải khách là bài học nhãn tiền.

Theo GTVT

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG