'Xây cầu vượt lắp ghép chỉ là giải pháp tình thế'

'Xây cầu vượt lắp ghép chỉ là giải pháp tình thế'
"Trong tương lai, nếu xây đường trên cao, đường tàu điện trên cao thì có thể phải phá dỡ các cầu vượt lắp ghép, sẽ là lãng phí", TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Hà Nội bày tỏ quan điểm.
TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Hà Nội
TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Hà Nội .

- Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của 2 cầu vượt kết cấu thép vừa khánh thành tại nút giao Tây Sơn - Chùa Bộc và Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng?

- Đây là giải pháp tình thế trong bối cảnh ùn tắc giao thông và kinh tế khó khăn hiện nay. Giải pháp này có hiệu quả nhất định, nhưng bộc lộ tồn tại rất rõ. Dù giá thành rẻ, xây 2 cầu mới hết 130 tỷ đồng, song vẫn hạn chế cho xe đi lại, các xe tải trọng lớn không được đi trên cầu, vẫn gây xung đột với các luồng phương tiện ở bên dưới.

TP HCM cũng nghiên cứu giải quyết giao thông bằng cầu nhẹ song họ xây dựng cầu vượt tầm 200 – 300 tỷ đồng cho tất cả xe tải trọng lớn. Tôi cho rằng TP HCM giải quyết tốt hơn. Còn Hà Nội xây cầu siêu nhẹ song tiếp tục giữ tính phức tạp của hệ thống đường giao thông khi không cho xe tải trọng lớn đi, nghĩa là anh giải quyết không triệt để. Phải chăng chúng ta không cân nhắc tất cả yếu tố kinh tế, bởi trong kế hoạch dự định đầu tư 470.000 tỷ đồng cho giao thông trong các năm tới, vậy tại sao không bổ sung để xây dựng cầu vượt cho tất cả loại xe đi?

- Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng xây dựng các cầu vượt vĩnh cửu như Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở như thời gian qua là lãng phí, ông nghĩ sao?

- Các cầu vĩnh cửu như Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở giá thành cao, 400-500 đến hàng nghìn tỷ đồng, song chúng có ưu điểm là gắn với hệ thống giao thông thành phố, đảm bảo cho tất cả loại xe đi lại và có thời hạn sử dụng lâu dài. Nút Ngã Tư Sở có cầu kiểu dây văng không chỉ giải quyết việc đi lại mà còn đảm bảo cảnh quan đô thị. Cầu tạm chỉ để giải quyết giao thông mà lại ảnh hưởng không gian đô thị.

Những cầu ổn định lâu dài đã được xác định với quy hoạch nút giao thông có không gian, nhiều tầng, còn cầu nhẹ là giải quyết cho riêng nút giao bằng. Đáng lẽ để nút giao Chùa Bộc không bị ùn tắc thì thành phố phải mở rộng đường ở khu vực vườn hoa ĐH Thủy Lợi, khu dân cư đầu phố Chùa Bộc. Song vì khâu giải phóng mặt bằng khó khăn nên giao thông khu vực này không được giải quyết. Hơn nữa, đặt một bãi đỗ xe ngầm ở vườn hoa này thì phải liên kết với nút giao mặt đất mới hợp lý, còn nếu có cầu vượt tại đây thì xây bãi đỗ xe lại không hợp lý.

Chúng ta đã có quy hoạch ổn định lâu dài, song do năng lực quản lý và nguồn kinh phí có hạn nên phải điều chỉnh, không áp dụng các biện pháp lâu dài mà lại sử dụng giải pháp tạm thời.

- Cầu vượt kết cấu thép có hiệu quả giải quyết ùn tắc trước mắt, vậy tại sao nhiều năm trước Hà Nội không đặt ra việc xây cầu này?

- Theo quy hoạch Hà Nội năm 1998, đến năm 2020 dân số trong nội đô mới 3 triệu, nhưng đến 2009 thì dân số đã là 3,2 triệu. Các tỉnh xung quanh chưa tạo được lực hút nên dân đổ về Hà Nội, chúng ta chưa lường trước được việc này. Bên cạnh đó các biện pháp quản lý chưa tốt nên lượng phương tiện tăng rất nhanh. Một phần vì quyền lợi, vì vấn đề phát triển kinh tế đơn thuần mà tạo nên những bất hợp lý trong khâu quy hoạch.

Bây giờ cần xây dựng cầu vượt là do dân số, lượng phương tiện tăng cao và thành phố đã chậm trễ trong xây dựng các nút giao thông, còn yếu tố kinh tế không phải là vấn đề. Xây dựng cầu vượt nhẹ hiện nay đã là muộn vì ùn tắc nghiêm trọng đã xảy ra mấy năm nay. Năm 2008 khi mở rộng Hà Nội, đáng lẽ phải đặt ngay vấn đề quy hoạch giao thông mới, nhưng đến bây giờ vẫn chưa có quy hoạch giao thông nên phải giải quyết tình thế.

'Xây cầu vượt lắp ghép chỉ là giải pháp tình thế' ảnh 2

- Trong tương lai, theo ông, số phận của những cầu vượt tạm như thế nào?

- Trong giải quyết ách tắc giao thông cần có tầm nhìn, như tăng diện tích đường giao thông. Bao năm nay chúng ta không thông được tuyến Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Hoàng Quốc Việt không thông được nút Bưởi.

Trong tương lai, nếu xây dựng đường trên cao, đường tàu điện trên cao thì có thể phải phá dỡ các cầu vượt, sẽ là lãng phí. Giao thông là nội dung trong quy hoạch tổng thể không gian, phải cân nhắc giữa tầm nhìn dài hạn và trước mắt tại từng khu vực. Đừng có tư duy nhiệm kỳ, vì tầm nhìn trước mắt mà phá vỡ cảnh quan để thế hệ sau phải gánh chịu.

- Hà Nội chuẩn bị xây dựng thêm cầu vượt tạm ở các nút giao thông Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Giải Phóng - Lê Thanh Nghị, ông nghĩ sao về các vị trí này?

- Đây là những vị trí đang bị ách tắc lớn, chỉ có thể làm cầu lắp ghép nhưng phải tính cho những xe tải trọng lớn đi lại như thế nào, có thể tham khảo TP HCM để tổ chức giao thông cho xe tải trọng lớn đi được. Các cầu vượt tạm không có trong quy hoạch song vẫn giải quyết ùn tắc giao thông tại nhiều nút.

- Là chuyên gia quy hoạch, ông cho rằng những cầu vượt phải xây dựng như thế nào để không lãng phí trong tương lai?

- Trong bối cảnh hiện nay, khi chưa xây dựng được các cầu vĩnh cửu thì vẫn có thể xây cầu kết cấu thép, song song khai thác cầu là làm đúng quy hoạch giao thông. Như khi xây xong cầu Thanh Trì thì phải thông suốt vành đai 3, tương tự xây dựng cầu vượt nhẹ thì phải đảm bảo thông toàn tuyến, ngoài ra phải đảm bảo mỹ quan đô thị.

Bên cạnh đó, phải hoàn thiện các mạng đường, nhất là vành đai 1-2- 3. Mặc dù có quy hoạch từ năm 1982 song hơn 30 năm nay vẫn chưa hoàn thành các vành đai, chúng ta phải có cơ chế đặc thù để giải quyết triệt để theo quy hoạch. Trước khi xây dựng mỗi cầu vượt tạm thì chúng ta cần xác định thời gian sử dụng. Giải quyết tình thế chỉ ở mức độ nhất định chứ không thể dùng cái tình thế để thay thế cho cái lâu dài.

Theo Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG