5 I là gì?

TP - Người không làm báo cũng biết đến “tháp ngược” và “5W” (Who? What? When? Where? Why?). Nhưng ngày nay công thức này được cho là không đủ. Báo chí trí tuệ, hiện đại đề cao 5I.

Cụ thể đó là: Informed - thông tin; Intelligent - trí tuệ; Interesting - thú vị; Insightful - thấu hiểu; Interpretive - diễn giải. Theo nhà báo nổi tiếng Mitchell Stephens tác giả nhiều cuốn sách về báo chí hiện đại thì 5W đương nhiên vẫn cần: “Các nhà báo vẫn còn cho ra những khúc khải hoàn về vinh quang của việc thu thập thực tế và ghi chép lại”; tuy nhiên “Lấp lánh là một mục tiêu cao cả, và trí tuệ là một phẩm chất đáng gờm”. 5 chữ I nói trên đòi hỏi nhiều hơn ở nhà báo: Nghiên cứu nhiều hơn, tư duy nhiều hơn, nhận định nhiều hơn, độc đáo hơn.

Thật là khó khăn. Giải quyết được 5W (Ai?Cái gì?Khi nào?Ở đâu?Tại sao) sao cho chuyên nghiệp hay ho, đã cả một vấn đề, nay lại đến thời mà người ta gọi là báo chí trí tuệ, đòi hỏi sự am hiểu, thông minh, có tính diễn giải, sâu sắc và soi sáng nữa.

Vì trí tuệ, cho nên một xu hướng của báo chí hiện đại khuyến khích phóng viên đưa chủ kiến, chứ không như báo chí truyền thống-phóng viên buộc phải thể hiện quan điểm bằng cách dẫn lời người khác- những người thậm chí hiểu vấn đề ít hơn họ. 

Sách của Mitchell Stephens dẫn luồng ý kiến cho rằng cách “vận chuyển lậu” ý tưởng của bản thân qua kênh kỹ thuật này, của báo chí truyền thống, không những kém hiệu quả mà còn giả dối nữa.

Dẫn hơi nhiều, “vận chuyển lậu” ý kiến bản thân thông qua chuyên gia để thấy vì sao người làm báo hôm nay kẻ mừng người lo, nhất là báo giấy- vẫn được coi là “người tình trí tuệ” so với báo mạng và các kênh thông tin khác, khiến độc giả khó mà quay lưng hoàn toàn được. 

Ngày nay,  đời sống quá hấp dẫn còn thông tin ngồn ngộn đến ngợp. Nếu chỉ cần thông tin, thỏa mãn 5W, thì mạng xã hội cũng giải quyết được (nhất là 4 W đầu),  không cần đến nhà báo. Nhưng như chúng ta vẫn nói: Vấn đề không chỉ là viết gì mà còn viết như thế nào.

Vào ngày 21/6 ít năm trước, tôi từng viết rằng “Đến Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Nam Cao còn thường xuyên bí từ bí đề tài, thì số người dám nhận là được nghề viết chọn không thể đông đâu”. Có lẽ phải nói lại: Bây giờ ai kêu bí đề tài, chính là vì bí từ. Nhất là đề tài cần sự diễn giải, sâu sắc, soi sáng, thì có sợ thiếu bao giờ.

Đã bút sắc lại phải có lòng trong, ví đầy- như lời chúc tụng yêu thích các nhà báo dành cho nhau  vào 21/6 mỗi năm. “Bút sắc, lòng trong” tưởng đương nhiên ở cái nghề này, hóa ra không hẳn. Còn “ví đầy” thì khó thật.  Câu “số người dám nhận là được nghề viết chọn không thể đông đâu” vẫn đúng?

MỚI - NÓNG