Ai bảo vệ kẻ yếu?

Ai bảo vệ kẻ yếu?
TP - Hồi mới hoàn thành, Keangnam Landmark Tower là niềm tự hào của người Hà Nội khi trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam. Những người sở hữu các căn hộ cao cấp với giá bán 8-11 tỷ đồng ở đây cũng chắc chắn cảm thấy tự hào.

Chỉ cần nói có nhà ở Keangnam là biết “đẳng cấp” của chủ nhân. Nhưng đối với nhiều người Việt, có cao cấp đến đâu thì vẫn là chung cư, người mua chung cư vẫn luôn là đối tượng ở thế yếu so với chủ đầu tư. Không chỉ phải thất vọng với thực trạng chất lượng không như quảng cáo, người mua chung cư còn luôn phải thấp thỏm với mỗi biến động từ đơn vị chủ đầu tư và câu chuyện lùm xùm xung quanh tòa nhà Keangnam vừa rồi là một ví dụ điển hình.

Người dân mua chung cư luôn là đối tượng yếu thế, bị động, “nắm đằng chuôi” không chỉ ở trường hợp Keangnam mà còn biết bao nhiêu dự án chung cư khác kể cả cao cấp lẫn bình dân. Ngay từ khi góp vốn, đóng tiền chờ dự án hoàn tất, người mua nhà đã buộc phải chấp nhận một cuộc chơi mà ai cũng hiểu, khi xảy ra rủi ro thì thiệt thòi trước tiên chính là khách hàng. Từ những dự án chung cư ở quận Long Biên, chủ đầu tư ôm tiền biến mất đến  dự án B5 Cầu Diễn liên quan đến bà nghị Châu Thị Thu Nga và còn bao nhiêu dự án khác, người mua nhà tuy đã bỏ tiền ra nhưng chưa biết khi nào mới lấy lại được tiền. Đó là những dự án còn nằm trên giấy, “tiền trao” nhưng chưa có “cháo” mà “múc”. Còn cả loạt dự án có “cháo” rồi thì cháo cũng không ngon như quảng cáo: thiếu vườn trẻ, thiếu siêu thị, công viên và đủ thứ công năng, tiện ích của một công trình được nói là chung cư cao cấp. Tuy nhiên, hành trình để đòi lại quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng là vô cùng gian nan. Nhà đầu tư không thiếu gì “kế hoãn binh”, không thiếu gì lý do để biện hộ cho những thiếu hụt kia và họ không có gì phải vội cả, bởi câu giờ được ngày nào là họ có lợi ngày đó. Cả nước cho đến nay mới chỉ có một vài vụ người dân “chịu khó” đi kiện chủ đầu tư nhưng kết qua vẫn chưa thấy đâu.

Vụ việc liên quan đến nghi vấn bán tòa nhà Keangnam và chuyện gần 200 tỷ đồng phí bảo trì đi đâu về đâu chỉ là một vụ việc đơn lẻ, nhưng nó báo hiệu hàng loạt những rắc rối về mặt pháp lý mà người mua nhà chung cư phải đối mặt trong thời gian tới. Nếu cơ quan chức năng, nói như một vị lãnh đạo của Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) rằng “bộ không can thiệp giữa tranh chấp cư dân và chủ đầu tư tòa nhà Keangnam và cư dân có thể kiện chủ đầu tư để đòi quỹ bảo trì tòa nhà” thì đơn giản quá. Tuy nhiên, nếu những kẽ hở trong luật tiếp tục bị chủ đầu tư lợi dụng, nếu người mua nhà không được bảo vệ thì sẽ còn có thêm nhiều Keangnam, nhiều “B5 Cầu Diễn” khác.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.