Ai hại ai?

TP - Còn nhớ, những ngày cuối tháng tư, ông Chu Xuân Phàm, Trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội phát ngôn “chọn cá tôm hay nhà máy”, dư luận sôi lên sùng sục. Trên các trang mạng, mọi người đều chọn cá, tôm, quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế bằng mọi giá. 

Thế rồi, cũng trong những ngày ấy, nhân kỳ nghỉ, người dân đổ về biển (tất nhiên là những nơi chưa ô nhiễm). Ngay sau đó, trên mạng xuất hiện những hình ảnh rác thải tràn ngập một số bãi biển. Lúc này các quan điểm trên mạng xã hội lại cho rằng, dùng bàn phím để bày tỏ quan điểm bảo vệ môi trường là quý, nhưng không xả rác ở biển còn thiết thực, còn quý hơn. Đừng vừa nói yêu môi trường vừa xả rác.

Trở lại chuyện Formosa gây ô nhiễm biển miền Trung. Nhiều người dồn bức xúc lên chính Formosa, vì đó là thủ phạm chính, trực tiếp. Đúng như vậy. Nhưng cùng nhìn lại xem, chúng ta đã và đang làm gì để bảo vệ chính mình?

Đọc báo cáo đánh giá tác động môi trường của Formosa (được Bộ TNMT phê duyệt năm 2008), mới thấy xót xa. Báo cáo dài 285 trang nhưng chỉ có khoảng một trang đánh giá về sự cố môi trường, nêu vắn tắt, gạch đầu dòng, không có dòng nào về sự cố với môi trường biển, đất, không khí.

Từ bản báo cáo “ít chữ” và “chung chung” này, cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã ứng xử với sự cố như “gà mắc tóc”. Ông Giám đốc Sở TNMT Hà Tĩnh Võ Tá Đinh nói, báo cáo đánh giá tác động môi trường không có vùng chôn lấp, xử lý rác thải (nên Formosa mới ký hợp đồng với các đơn vị tìm nơi chôn lấp và đã chôn ở trang trại, ở công viên và chưa biết ở những đâu nữa). 

Ngay cả việc lấy mẫu rác thải Formosa chôn sai quy định, đi phân tích, Sở TNMT Hà Tĩnh cũng làm không xong. Thế nên ngay cả khi có kết quả phân tích mẫu cũng không dám công bố vì “chẳng để làm gì”. Khi được hỏi vì sao lại làm ra cái kết quả như vậy, ông Đinh nói, do sức ép nên anh em mất bình tĩnh khi lấy mẫu.

Cái mà người dân cần nhiều hơn việc đi lấy mẫu giải quyết sự đã rồi là cơ quan chức năng Hà Tĩnh phải cùng với Formosa, kiến nghị cấp trên, tìm phương án xử lý rác thải lâu dài. 

Nhưng, thât khó! Chúng ta đang có một “hàng rào”, một đội ngũ bảo vệ ở thực địa rất yếu ớt, trong khi làm ăn với một đối tác chơi theo luật quốc tế, khôn ngoan, kinh nghiệm. Đến khi xảy ra sự cố mới thấy hết sự bất cẩn (có thể là thờ ơ, đối phó, thiếu năng lực…) của chúng ta.

Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Chỉ khi nào nhìn nhận được nguyên nhân từ nội tại, từ chính mình thì mới có lối ra cho những khó khăn, bế tắc. Trước những vấn đề hệ trọng về môi trường sống (đất, nước, không khí) đang bị đầu độc, có bao nhiêu cán bộ liên quan thấy xót xa cho người dân mà nhận ra trách nhiệm (hoặc lỗi) của mình trong đó để ráo riết tìm cách giải quyết, khắc phục?

Chúng ta đang hại nhau, chứ không phải ai từ bên ngoài, từ đâu đến.

Các đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… đã đến lúc phải lên tiếng vì môi trường sống của người dân.

Hôm qua, bên hành lang Quốc hội, các phóng viên đi tìm câu trả lời, tìm giải pháp cho tình trạng ô nhiễm do Formosa gây ra để thông tin cho nhân dân đã phải chứng kiến sự im lặng của một số người liên quan.

Im lặng đến bao giờ?

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.