Ai quản lý mắm tôm?

Ai quản lý mắm tôm?
TP - Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã lan rộng ra 10 tỉnh miền Bắc với hơn 400 người mắc bệnh, trong đó có Thủ đô Hà Nội, mà “thủ phạm” ban đầu được Bộ Y tế xác định là mắm tôm - một loại đồ ăn cổ truyền khoái khẩu của dân ta.

>> Xuất hiện trường hợp mắc tiêu chảy do sử dụng giò chả, thịt bò

Thịt chó mắm tôm, bún đậu mắm tôm, lòng lợn mắm tôm và rất nhiều món ăn thuần Việt khác đều cần đến loại gia vị “quốc hồn quốc túy” này như bóng với hình. Ấy vậy mà dường như chưa có cơ quan chức năng nào thống kê được con số chính xác mỗi ngày trên toàn quốc, dân ta xài hết bao nhiêu tấn mắm tôm, xuất xứ cụ thể từ đâu, có đảm bảo vệ sinh không?

Đơn giản là hầu hết mắm tôm đều được lưu thông trên toàn quốc dưới dạng cả thùng, cả chậu rồi bán lẻ cho người tiêu dùng bằng đơn vị lọ, thìa, muỗng đựng trong túi nilông (tái chế), tất cả đều không nhãn mác, không hạn sử dụng, không có nơi sản xuất... Tóm lại là không hề có bất cứ tiêu chuẩn nào cho loại đồ ăn khoái khẩu này.

Trên thực tế, không chỉ riêng mắm tôm mà còn rất nhiều các đồ ăn thương phẩm phổ biến khác đang “hồn nhiên” có mặt hàng ngày trong mỗi bữa cơm gia đình, trong hầu hết các quán ăn bình dân như tương ớt, ớt bột, giấm, bỗng... đều không nhãn mác, tức là nằm ngoài sự quản lý của các cơ quan chức năng, nằm ngoài tầm kiểm soát của các tiêu chuẩn VSATTP.

Với phương thức hàng hóa thực phẩm sản xuất và lưu thông tự phát kiểu cả thùng, cả chậu này hẳn khó có thể quy trách nhiệm và thu hồi hàng loạt như đối với nước tương “đen” có chất gây ung thư 3-MCPD vừa qua.

Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đang hoành hành là hồi chuông báo động khẩn cấp về công tác quản lý VSATTP ở nước ta hiện nay, từ việc tuyên truyền thói quen ăn uống, tiêu dùng văn minh cho người dân, tới những tiêu chuẩn và hệ thống quản lý thực phẩm của cơ quan chức năng.

Bằng không, xã hội sẽ phải đối mặt với những hệ lụy không chỉ do mắm tôm gây ra như hiện nay, mà còn biết bao các thực phẩm phi tiêu chuẩn khác như đã nói ở trên.

Chúng ta đang phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, không lẽ nào chỉ những thực phẩm xuất khẩu mới phải chịu sự kiểm soát gắt gao của những tiêu chuẩn VSATTP, mà hàng chục triệu người dân trong nước cũng rất cần và xứng đáng được hưởng những tiêu chuẩn đó vì sự an toàn của chính họ và vì sự phát triển của giống nòi, của dân tộc.

Đã đến lúc, cần phải có một bộ luật toàn diện về VSATTP để điều chỉnh tất cả những bất cập trên, để ẩm thực Việt Nam vốn đã ngon lại phải sạch, để mỗi công dân có quyền khởi kiện dễ dàng bất cứ quán ăn, cửa hàng hay siêu thị nào vi phạm, để những người kinh doanh, sản xuất thực phẩm không dám và không thể hồn nhiên đưa ra thị trường những loại đồ ăn độc hại kiểu như bánh phở phooc-môn, bánh cuốn hàn the, nước tương “đen”, mắm tôm “tiêu chảy” như hiện nay. 

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.