Ai thích sân golf?

Ai thích sân golf?
TP - Kể từ khi Việt Nam xuất hiện dự án sân golf, từ năm 1990, cho đến năm 2006, thẩm quyền phê duyệt các dự án sân golf do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

> Sân golf lại ồ ạt “mọc”

Và trong suốt 16 năm ấy, Thủ tướng mới cấp phép cho 34 dự án sân golf. Nhưng khi Chính phủ vừa phân cấp (tháng 7-2006) cho các địa phương, thì chỉ 22 tháng sau đó, số dự án sân golf trên cả nước được các địa phương cấp giấy phép đã lên tới 104 dự án, gấp hơn 2 lần số sân golf của 16 năm Chính phủ cấp.

Theo tính toán, thời điểm đó tính trung bình, cứ mỗi tuần Việt Nam lại có hơn một dự án sân golf. Sự phát triển nóng sân golf lan vào cả Quốc hội, đến nỗi Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc phải trả lời chất vấn. Năm 2009, Thủ tướng phải có quyết định 1946, loại bỏ hơn 60 dự án (trong đó có nhiều dự án lấy đất bờ xôi ruộng mật của nông dân), chỉ để lại 90 dự án sân golf.

Nhưng có vẻ cơn sốt sân golf chưa dừng, vì sau đó nhiều tỉnh lại có đề xuất Chính phủ xin bổ sung quy hoạch, với đủ các lý do, nào là phát triển du lịch, nhà đầu tư nước ngoài vào nhiều, cần chỗ chơi.... Và nay, Bộ KH-ĐT chấp nhận bổ sung thêm 28 sân golf trình Chính phủ.

Điều gì hấp dẫn, tới mức lãnh đạo các tỉnh lại thích phê duyệt các dự án sân golf đến vậy? Có phải họ thích chơi golf, hay còn lợi ích nào khác? Dù xét về lợi ích chung, thì các dự án sân golf nếu so sánh về diện tích chiếm đất, đóng góp cho ngân sách nhà nước không lớn.

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, trong năm 2010, mức nộp ngân sách nhà nước từ các dự án sân golf chỉ khoảng 505 tỷ đồng, trong khi diện tích chiếm đất hàng ngàn héc-ta. Chưa kể, nếu không được kiểm soát tốt, các sân golf còn gây họa cho môi trường.

Bởi thế, như ở Hàn Quốc, dù số người chơi golf đông hơn Việt Nam nhiều lần, nhưng việc xây dựng sân golf được quản rất chặt, chỉ cho xây dựng ở những vùng đồi núi, không thể làm được gì khác, ngoài sân golf.

Ở khía cạnh nhà đầu tư, vì sao họ thích đầu tư sân golf? Theo tìm hiểu, việc đầu tư sân golf siêu lợi nhuận, bởi vốn đầu tư không lớn (như đầu tư khu công nghiệp), nhưng hiệu quả cao. Một sân golf, đi vào hoạt động, ngoài việc thu tiền từ bán thẻ cho thành viên chơi golf (cả chục ngàn USD/thẻ), thì mục đích lớn hơn mà các chủ đầu tư nhắm tới là xây biệt thự, chung cư cao cấp để bán. Đặt biệt là với những dự án sân golf gần các đô thị lớn, thì nhà đầu tư lãi to.

Gần đây, Chính phủ tỏ rõ quan điểm không cho các dự án sân golf được kết hợp kinh doanh bất động sản. Nhưng không biết quan điểm ấy, giữ được bao lâu. Bởi khi mà các dự án sân golf, còn có thể thay đổi, bổ sung quy hoạch, thì việc nhà đầu tư xin điều chỉnh dự án, xin kinh doanh sân golf kèm bất động sản, đâu có khó hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG