Ăn & lo đến bao giờ?

Ăn & lo đến bao giờ?
TP - Trái ngược với phát biểu “tình hình sử dụng chất cấm thuộc nhóm Beta Agonist trong chăn nuôi hiện nay cơ bản đã được kiểm soát giảm” mới đây của Cục phó Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, loại chất độc hại này ngày càng bị phát hiện nhiều hơn.

Từ chỗ chỉ vài chục ki lô gam nay liên tục phát hiện ra các nhà kho chứa tới hàng tấn thức ăn gia súc có chất tạo nạc. Đáng chú ý, ông Dương cũng thừa nhận, ngay từ năm 2005 chính Bộ NN&PTNT đã cho phép nhập loại thức ăn gia súc SSI, loại mới đây vừa bị phát hiện chứa chất tạo nạc.

Mẫu thịt lợn bị nhiễm chất tạo nạc không chỉ dừng lại ở các tỉnh thành phía Nam mà nay đã tràn ra cả miền Bắc. Hàng chục triệu người tiêu dùng hoang mang lo sợ, không biết miếng thịt lợn trên mâm cơm gia đình mình có nhiễm chất độc hại? Hàng triệu người nông dân điêu đứng vì thịt lợn tụt giá, thiệt hại ban đầu theo vị Cục phó Cục Chăn nuôi lên tới hơn 2.000 tỷ đồng.

Nhưng đó chỉ là con số rất nhỏ nếu so với những thiệt hại vô hình, âm thầm về sức khỏe mà hàng triệu người xơi phải thịt lợn nhiễm chất tạo nạc phải hứng chịu từ nhiều năm nay. “Đó là tội ác” theo nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát. Đáng báo động, loại “tội ác” này đâu chỉ có liên quan tới mỗi miếng thịt, bởi các loại rau, củ, quả từ lâu cũng không ai còn dám chắc là sạch.

GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, trong lần trả lời phỏng vấn báo chí mới đây nhận xét: “Bây giờ ra đường thấy người ta trưng biển “Cửa hàng rau sạch” mà hoang mang quá. Phân biệt rau sạch, có nghĩa mặc nhiên thừa nhận có nhiều rau bẩn ư? Rau để ăn đều phải là rau sạch chứ?”. Vị giáo sư hóm hỉnh kể ra một thực trạng bi hài: Đáng sợ hơn, người bán hàng còn trữ một lọ sâu, thỉnh thoảng rắc lên trên rau vài con để lừa người mua là rau an toàn. Thế mới có chuyện khôi hài người mua rau trả tiền xong lại bị người bán đề nghị “cho em xin lại mấy con sâu!”.

Như vậy loại “tội ác” này liên quan tới cả chăn nuôi lẫn trồng trọt, hẳn có phần trách nhiệm không nhỏ của Bộ NN&PTNT và các bộ ngành liên quan khác. Theo “phân công” của Luật An toàn Vệ sinh Thực phẩm ở ta, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế... mỗi bộ quản lý một số mặt hàng.

Vấn đề là ở chỗ không thấy cơ quan nào sẽ đóng vai trò tổng chỉ huy, chịu trách nhiệm chính cả, bởi riêng vấn đề chất tạo nạc đã liên quan tới nhiều bộ ngành khác nhau. Đường đi của chất tạo nạc từ bên kia biên giới tới tận máng ăn của lợn, qua lò mổ ra chợ tới bữa cơm của mỗi gia đình, cũng sẽ đi qua trách nhiệm quản lý của nhiều Bộ, từ NN&PTNT, Bộ Công Thương tới Bộ Y tế.

Không lẽ mỗi bộ ngành phụ trách một khúc ? Để giải quyết tình trạng này, theo PGS.TS Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), cần phải có cơ quan quản lý nhà nước duy nhất về thực phẩm.

Xem ra miếng rau, miếng thịt bỏ vào miệng vẫn còn phải thấp thỏm lo không biết sạch hay bẩn. Không hiểu đã có đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước nào về tác hại của những đồ ăn này tới sức khỏe cộng đồng chưa? Giống nòi rồi sẽ ra sao nếu cứ tiếp tục cứ phải ăn bẩn mãi?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG