APEC, và một chữ “chung”

TP - Tuần lễ cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC 2017 với đỉnh cao là Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng đã kết thúc tốt đẹp chiều qua, 11/11.

Chủ đề xuyên suốt Diễn đàn và Hội nghị, đó là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.    

Một chữ “chung”, không đơn giản. Để tìm tiếng nói chung ấy, tại Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng, các trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP-11) đã phải đột xuất họp xuyên đêm mùng 9/11, với rất nhiều vòng đàm phán, để đến 10 giờ sáng hôm sau mới có thể nở nụ cười. Với sự đồng thuận về hình thức mới của TPP-11 mang tên Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP TPP). Để đạt được tiếng nói chung ấy, có khoảng 20 điều khoản của TPP-11 được tạm gác lại…

Một chữ “chung”, khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại buổi tiệc chiêu đãi lãnh đạo các nền kinh tế APEC đã ví von: “Anh em bốn bể là nhà”. Nhưng “chung”, trên cơ sở tự cường của mỗi nền kinh tế - như khẳng định của Chủ tịch nước tại cuộc họp báo quốc tế kết thúc APEC 2017 chiều qua. Trong đó nhấn mạnh “thống nhất và khẳng định quyết tâm của các nền kinh tế thành viên hướng tới xây dựng cộng đồng APEC phát triển bao trùm và tự cường”.

Đó cũng là tiếng nói chung trong “Tuyên bố Đà Nẵng” đã được Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng thông qua.

Trước đó, sự phân biệt chung/riêng khá rõ ràng trong lời phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay sau khi đến Đà Nẵng: “Chúng ta cần thượng tôn chủ nghĩa đa phương cùng theo đuổi phát triển chung thông qua xây dựng các mối quan hệ đối tác, xây dựng cộng đồng chung vì tương lai của mọi người”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, dịp này đã nói về truyền thống đấu tranh của dân tộc Việt Nam một cách sâu sắc và thấu hiểu.

Có một chi tiết liên hệ từ bài phát biểu của vị Tổng thống Hoa Kỳ, khi ông nhắc đến những chuyến hải hành đầu tiên của người Mỹ đến châu Á. Đó là đêm ngủ lại đầu tiên của ông tại Việt Nam lại ở chính Sơn Trà - Đà Nẵng. Nơi tháng 5/1845, chuyến tàu đầu tiên của người Mỹ thả neo tại Sơn Trà – Việt Nam lại là tàu chiến, trước cả sự kiện Pháp xâm lược năm 1858. Và người lính đầu tiên đến từ bên kia đại dương trong lịch sử nằm lại Sơn Trà là người Mỹ, do bạo bệnh.

Lịch sử đã đổi thay quá nhiều. Những câu cuối trong bài phát biểu nhiều ấn tượng của Tổng thống Donald Trump như lời nhắn nhủ: “Cuối cùng, chúng ta đừng quên rằng, trên thế giới có rất nhiều nơi chốn, nhiều ước mơ và nhiều con đường. Nhưng, trên khắp thế giới sẽ chẳng nơi nào giống như nhà mình. Chính vì thế, vì gia đình, vì quốc gia, vì tự do, vì lịch sử và vinh danh Chúa, hãy bảo vệ ngôi nhà của chúng ta và hãy yêu quý ngôi nhà của chúng ta ngày hôm nay và cho muôn đời sau”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.