Bấm “like” có ý thức

Bấm “like” có ý thức
TP - Tung tin đồn thất thiệt, dù với mục đích “câu like” thông thường, tức chỉ để “câu like” hay nhằm trục lợi, nếu gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, đều có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí nghiêm trọng có thể phải ngồi tù.

Điều này không có gì phải bàn cãi. Từng có người bị phạt tiền: vợ chồng Vương Bá Huy và Đỗ Thùy Linh ở Hà Nội đã phải nộp phạt 20 triệu đồng vì tung tin đồn dịch Ebola xuất hiện ở Việt Nam, hồi năm ngoái.

Vậy mà những ngày gần đây, trên đủ các loại trang mạng liên tiếp xuất hiện những tin đồn rùng rợn, nào là nữ sinh mất tích, nghi bị mổ lấy nội tạng, nữ quái xuất hiện trở lại với thủ đoạn ghê rợn, nào là phát hiện trứng gà bị làm giả từ nhựa, trứng gà bị tiêm virus HIV…

Rất có thể những kẻ tung tin đồn có mục đích nào đó, ví dụ câu view để được nổi tiếng, để thu hút sự chú ý, để được xem là hot blogger, để bán được hàng qua mạng… Nhưng nếu không có hàng ngàn lượt xem và phát tán tiếp, nếu không có những cú “like” vô ý thức hay vô trách nhiệm thì tin đồn không thể tác oai tác quái. 

Trong thời đại ngày nay, với sự tràn ngập của các loại hình truyền thông, kỹ năng xử lý thông tin không chỉ nên dành riêng cho giới báo chí mà mỗi người dân đều cần. Những câu hỏi “ai”, “cái gì”, “ở đâu”, “nguồn thông tin đáng tin cậy”… cần thiết cho tất cả người dùng mạng.

Nhưng chỉ cần dạo qua một vòng các trang mạng xã hội, lướt qua những thông tin được phát tán, những comment (bình luận), có thể thấy rõ sự thiếu hụt kỹ năng xử lý thông tin ở nhiều người, khi không phân biệt được thật giả, không nhận biết được đâu là nguồn tin đáng tin cậy, đâu là tin đồn vô căn cứ, nhảm nhí. 

Sự thiếu hụt kỹ năng cộng với tâm lý “thích tỏ ra nguy hiểm”, “ta đây thạo tin”, hiểu đời đã khiến nhiều cư dân mạng trở thành công cụ phát tán những tin đồn thất thiệt, phục vụ mục đích của kẻ xấu. Biết phân tích, biết tin vào điều gì đáng tin, biết loại bỏ những nguồn tin xấu và không mất thời gian với thông tin vô bổ chính là những đòi hỏi với người dùng mạng ngày nay. 

Có ai đó nói mạng internet là con dao nhiều lưỡi. Nói vậy cũng không hẳn là sai, nhưng trên hết, internet là một công cụ truyền thông tin. Công cụ ấy không có gì xấu, nếu không muốn nói là tuyệt vời. Chỉ có kẻ xấu trên internet và những người nhẹ dạ, tiếp tay cho cái xấu phát triển mà thôi.

MỚI - NÓNG