Bận tranh cãi

Bận tranh cãi
TP - Hôm qua, sau một loạt thông tin rùm beng về thực phẩm (bún, bánh canh, hủ tiếu…) nhiễm chất độc hại có tên Tinopal, Sở Y tế và Sở Công thương TPHCM họp với các cơ sở sản xuất bún có thương hiệu ở TPHCM để yêu cầu họ ký cam kết không sử dụng chất độc Tinopal trong bún.

> Hoang mang bún bẩn, bún sạch
> Phát hiện hàng loạt bún gây ung thư

Đây dường như lại là một động thái “mang tính biểu diễn” của các cơ quan chức năng. Sẽ chẳng có người tiêu dùng nào tin tưởng sau vụ “ký cam kết” này thì việc làm ăn gian dối, bất chấp sức khỏe của người khác để trục lợi của một bộ phận người kinh doanh thực phẩm sẽ tự khắc chấm dứt.

Cứ mặc định rằng những cơ sở có thương hiệu nói trên đã không sử dụng chất cấm, tình trạng gần như bất lực trước hằng hà những cơ sở không giấy phép, không đăng ký, sản phẩm không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ sẽ còn tiếp tục nếu các cơ quan chức năng không có những thay đổi cơ bản trong cung cách quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhưng đây không phải là lần đầu xảy ra những vụ việc liên quan đến việc quản lý vệ sinh miếng ăn thức uống. Chuyện mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn nhức nhối suốt nhiều năm qua. Nhưng hãy thử nhìn lại cung cách của các cơ quan chức năng khi sự việc lần này xảy ra.

Ngay sau khi Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng, đưa ra thông tin nhiều mẫu thức ăn tại TPHCM nhiễm độc chất, thay vì tiếp nhận thông tin, thẩm tra và có biện pháp xử lý, các cơ quan chức năng lại ngay lập tức “phản pháo” bằng lý do “anh không có chức năng”.

Bà phó chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM còn nhanh chóng đăng đàn tuyên bố việc làm của Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng là “trái pháp luật”, thay vì tìm hiểu thông tin của trung tâm này có đúng hay không và cùng phối hợp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Có vẻ như bà quên mất chức năng chính của Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là gì.

Chuyện phát hiện và cảnh báo những nguy cơ, đúng ra là quyền của mọi tổ chức, cá nhân chứ không riêng gì Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng. Tất nhiên, khi thông tin thực phẩm nhiễm chất độc được công bố, sẽ có những đối tượng lãnh chịu hậu quả oan ức nếu thông tin không chính xác.

Do đó, người công bố, cơ quan cho phép công bố đều phải chịu trách nhiệm với những thông tin này và đương nhiên phải hết sức thận trọng. Nhưng thay vì nhanh chóng thẩm tra thông tin, thực hiện các biện pháp xét nghiệm để làm rõ trắng đen, sớm thông tin để người dân được biết thì người ta lại tập trung vào những cuộc tranh cãi mà ở đó, quyền lợi của đa số người dân bị xếp vào hàng thứ yếu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG