Bất ngờ đến từ đâu?

Bất ngờ đến từ đâu?
TP - Các nhà khoa học ở Trường Đại học Cần Thơ nói, lũ lớn ĐBSCL năm nay là lời cảnh báo! Bởi chục năm qua không có lũ, các quy hoạch và kế hoạch đầu tư phát triển ít nhiều không tính đến lũ lớn.

> Bão, lũ làm 13 người chết, 5 người bị thương

Nguồn nước khổng lồ của sông Mê Kông chiếm gần 60% tổng lượng nước ngọt quốc gia, đã bị xem nhẹ trong các tư duy phát triển. Thế nhưng, nguồn nước ấy không vì thế mà biến mất, nó chỉ chuyển dịch đâu đó chưa ai biết căn nguyên. Năm nay nó xuất hiện, lãnh đạo nhiều địa phương kêu lên “đã chuẩn bị mà vẫn không ngờ”.

Thực ra, bất ngờ xuất hiện chủ yếu ở những vùng ngập sâu đã được đắp đê bao chống lũ triệt để nhằm bảo vệ lúa thu đông (vụ ba) mà thôi. Trên các phương tiện truyền thông những ngày qua tràn ngập thông tin lũ lớn ĐBSCL, nhưng người tinh ý sẽ thấy, bên cạnh các hình ảnh vỡ đê nước trắng đồng lại có hình ảnh những con đường cao ráo, những nếp nhà bình yên.

Hạ tầng kỹ thuật vùng lũ bây giờ đã khác chục năm trước. Hồi nào lên mạn biên giới của hai tỉnh đầu nguồn lũ An Giang và Đồng Tháp chỉ độc đạo, rất khó khăn, nay xe bốn bánh thênh thang bằng nhiều ngã, xuyên qua vùng đỉnh lũ. Các con đường kiêm đê bao, kiêm điểm tựa cho các tuyến dân cư, nên không còn cảnh nháo nhác chạy lũ dù lũ lớn.

Nóng bỏng năm nay là việc giữ đê bao bảo vệ lúa vụ ba ở các vùng ngập sâu, những nơi các nhà khoa học liên tục khuyến cáo: Không nên làm đê bao chống lũ triệt để. Nhưng khi không có lũ, ý kiến của các nhà khoa học bay theo gió, không đọng lại trong các chương trình phát triển của các địa phương. Lợi ích cục bộ và nhiều lý do khác, có cả tầm nhìn ngắn hạn trong nỗi lo cho dân, khiến nhiều nơi “bị bất ngờ” khi lũ lớn lừng lững xuất hiện. Có thể nói là bất ngờ trong tư duy vậy!

Hàng trăm nghìn người được huy động giữ đê cứu lúa vụ ba ở vùng ngập sâu nhưng hàng loạt đê vẫn vỡ, đê mất và lúa vụ ba cũng mất. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT về vùng lũ và lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam ngồi ở Thành phố Hồ Chí Minh đều đánh giá, khoảng 6.000 ha lúa vụ ba mất trắng thì chưa ảnh hưởng an ninh lương thực quốc gia và sản lượng gạo xuất khẩu. Đúng như thế, vì diện tích lúa vụ ba của ĐBSCL năm nay gần 600.000 ha, tăng hơn năm ngoái khoảng 100.000 ha.

Vậy một câu hỏi đặt ra: Mở rộng diện tích lúa vụ ba làm gì khi gây ra bất ổn cho dân sinh vùng lũ? Hiệu quả kinh tế nếu tính trên toàn bộ chi phí xã hội cho lúa vụ ba, từ đắp đê đến giữ đê, từ bơm nước đến những thiệt hại, chắc chắn không cao.

Đắp đê bao triệt để ở vùng ngập sâu còn làm nước lũ dâng cao ở nơi khác, tấn công nhiều đô thị, cơ sở công nghiệp tại chỗ lẫn hạ nguồn, và tăng dòng chảy xiết tàn phá các cơ sở hạ tầng. “Hạ tầng xây dựng không phù hợp sẽ bị thiên nhiên phá vỡ”, Tiến sỹ Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học Hòa An của Trường Đại học Cần Thơ, nói như vậy.

Dẫu sao “chung sống với lũ” là một quá trình thích nghi để thích nghi hơn, vận dụng kinh nghiệm của nghìn đời với khoa học hiện đại để con người có cuộc sống ngày càng an toàn. Theo đó, cảnh báo của lũ lớn năm nay cũng có giá trị điều chỉnh những gì chưa phù hợp; cân nhắc thêm đắp đê bao triệt để hay không triệt để, ở đâu và lúc nào cho phù hợp quy luật thiên nhiên nhằm phát huy hiệu quả an sinh.

Đặc biệt, để đi đến sự toàn vẹn thuận hòa giữa thiên nhiên với con người (không chống chọi nhau), tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu trong tương lai.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG