Bẫy công nghệ

Bẫy công nghệ
Ai cũng biết máy tính là quan trọng, nhưng không phải ai cũng biết vì sao nó quan trọng. Và càng ít hơn số người biết làm thế nào để nó trở nên quan trọng. Đó là kim tự tháp của nhận thức xã hội về máy tính (và không chỉ về máy tính).

Một mô hình nhận thức như vậy là hoàn toàn bình thường. Nếu cái hình kim tự tháp kia bị đặt lộn ngược theo kiểu đáy chổng lên trời thì mới là không  bình thường.

Nhận thức ở tầm ai cũng biết thôi thúc phải hành động. Nhưng chỉ nhận thức ở tầm cao hơn thuộc phần đỉnh của kim tự tháp mới giải quyết được vấn đề. Rủi ro là: nhiều chương trình ứng dụng công nghệ thông tin lại đang được đề ra và triển khai chỉ vì chúng ta bị thôi thúc phải hành động. Và vì vậy, nguy cơ sập bẫy công nghệ cũng rất cao.

Bẫy công nghệ là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng đầu tư tốn kém cho công nghệ thông tin và truyền thông để hiện đại hoá và phát triển, nhưng hiệu quả kinh tế - xã hội tương ứng lại không đạt được. Tệ hại hơn, hiệu ứng “phóng lao thì phải theo lao” còn làm phát sinh vô tận các chi phí bổ sung để duy trì và cập nhật hệ thống.

Có bao nhiêu địa phương, bộ, ngành, cơ quan đã sập bẫy công nghệ như vậy? Thiếu một công trình nghiên cứu khách quan, nghiêm túc, khó có thể tìm được câu trả lời chính xác.

Thế nhưng, nếu những website và những cổng giao dịch điện tử được long trọng khai trương và sau đó chỉ âm thầm tồn tại thì cú nhảy ngoạn mục vào bẫy công nghệ chắc chắn đã xảy ra. Một núi tiền đã bị tiêu tốn, nhưng để làm gì? Để chỉ mua sắm và trưng bày các công nghệ có lẽ sẽ là câu trả lời trung thực hơn cả.

Tiền Phong đã có loạt bài phản ánh hiện trạng đã có trên 50 tỉnh, thành và nhiều bộ, ngành xây dựng website và cổng giao dịch điện tử của mình. Tuy nhiên, phần lớn các trang web nói trên đều “héo” vì chúng không được cập nhật và nghèo nàn về thông tin.

Các cổng điện tử thì nghe sang hơn. Tuy nhiên, nếu các dịch vụ điện tử, thông tin điện tử và diễn đàn điện tử đều thưa thớt, nhạt nhoà thì người ta chui qua những chiếc cổng đó để làm gì?

Các website và các cổng điện tử, các hệ thống mạng LAN, mạng WAN là những chiếc bẫy công nghệ cỡ lớn. Những chiếc máy tính cá nhân PC là muôn vàn những chiếc bẫy nho nhỏ.

Sập vào đó là sự hiếu danh tốn kém của người đời. Đối với những chiếc máy tính chỉ làm chức năng trang trí, thì chi phí bỏ ra  cũng chẳng khác gì so với những chiếc được mua về để phục vụ công việc, không khéo lại còn đắt đỏ hơn.

Khi các con mồi sập bẫy công nghệ, không phải là không ai có lợi. Có lợi sẽ là những Cty kinh doanh các công nghệ và các dịch vụ thông tin và truyền thông. Trong nhiều trường hợp, những công ty này thừa biết là họ đang giăng bẫy hoặc ít nhất là đang chào bán những bộ quần áo rộng quá khổ, quá cỡ cho người tiêu dùng.

Mặc dù, đó không phải là những “bộ quần áo của hoàng đế” mà nhà văn Andersen đã từng kể, nhưng sự lụng thụng mà chúng gây ra cũng hài hước không kém.  

MỚI - NÓNG