Bế tắc

Tắc đường tại ngã tư Khuất Duy Tiến (Quận Thanh Xuân) - Ảnh: Otofun
Tắc đường tại ngã tư Khuất Duy Tiến (Quận Thanh Xuân) - Ảnh: Otofun
TP - Những đầu việc cụ thể, từ quy hoạch vùng lõi của Thủ đô, quy hoạch hạ tầng, giao thông đô thị và thậm chí chẻ nhỏ hơn là quy hoạch hệ thống các trụ sở làm việc của cơ quan hành chính, các bệnh viện, trường học cho Hà Nội và đặc biệt là giải bài toán nạn kẹt xe, tắc đường sẽ khiến lãnh đạo thành phố Hà Nội không khỏi đau đầu.

Chuyện cũ hạn chế xe máy cá nhân (việc cần làm), nay giở ra bàn lại, tiếp tục gây nhiều tranh cãi. Vẫn là đề xuất nhằm vào xe máy đã được bàn trước đây, nay có chăng mới hơn là tính đến hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố, dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào nội đô với lộ trình thực hiện dự kiến 10 năm.

Cộng đồng mạng lập tức xôn xao khi nhiều ý kiến cho rằng, xe máy vẫn là thủ phạm chính gây ùn tắc giao thông. Cũng gần như ngay lập tức, một lượng phản hồi lớn không kém khẳng định sự lo lắng có thật: Bỏ xe máy đi bằng gì? Tính toán sơ sơ của các chuyên gia về giao thông cho thấy có tới 4,5 triệu người dân Thủ đô sẽ không biết dùng phương tiện gì để đi lại khi bị hạn chế sử dụng xe máy.

Câu hỏi lớn làm gì để người dân cảm thấy thoải mái để từ bỏ thói quen đi xe máy khi mà hệ thống giao thông công cộng hiện còn quá nhiều bất cập. Bài toán đầu tiên: Hà Nội chưa có giải pháp cho việc phát triển hệ thống bổ trợ cho xe bus là tàu điện ngầm, phương tiện vận chuyển công cộng được thế giới chứng minh hữu hiệu nhất mà không lo tắc đường. Tuyến đường bus nhanh đã phá sản trong khi tàu điện trên cao chưa biết bao giờ mới hoạt động.

Ngay cả khi cấm được xe máy, dù phải đợi đến 10 năm, nỗ lực hạn chế xe cá nhân cũng sẽ nhanh chóng lại đi vào lạc hậu khi hệ thống đường giao thông của Hà Nội vốn đã chật hẹp, phải đối mặt với sự chồng chất vì sự gia tăng nhanh của xe ô tô cá nhân. Thảm họa tắc đường vì ô tô để lại hậu quả lớn hơn nhiều và là điều lãnh đạo thành phố chắc chắn sẽ phải đối mặt.

Tuy nhiên, đỉnh điểm của câu chuyện tắc đường sẽ nằm chính các toà nhà cao tầng, các khu chung cư, khu đô thị quy mô hàng chục nghìn dân đang ngày đêm được xây dựng trên tất cả các quận trung tâm, các khu đất vàng của thành phố. 

Chỉ vài năm nữa, những “siêu đô thị con” này khi đi vào hoạt động sẽ nhanh chóng phá vỡ mọi quy hoạch được tính toán kỹ lưỡng nhất trên các trục đường của Hà Nội. 

Tình trạng người dân tiếp tục khóc ròng vì khói bụi, ô nhiễm và nạn kẹt xe sẽ không được giải quyết chừng nào việc kéo giãn dân, di chuyển các khu trung tâm hành chính ra các khu vệ tinh giảm tải cho Thủ đô chưa được thực hiện nghiêm túc. 

Việc phát triển nhanh hàng loạt các phương tiện giao thông công cộng, áp dụng cả biện pháp nặng tay trong xử phạt vi phạm lấn làn giao thông cùng với tăng phí lưu hành giờ cao điểm trong nội đô với ô tô sẽ là biện pháp hữu hiệu và cần thiết xem xét ngay từ bây giờ.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.