Bệnh

Bệnh
TP - 1. Người nuôi tôm khốn đốn hai năm qua vì dịch bệnh “hội chứng hoại tử gan tuỵ cấp”.

> Cánh đồng mẫu lớn lợi cho ai?
> Đề xuất nông dân góp cổ phần bằng lúa

Mới đây, nguyên nhân dịch bệnh đã được xác định bởi nhóm nghiên cứu của GS Donal Lightner ở Đại học Arizona (Mỹ), chứ không phải các nhà khoa học nước ta.

Cái nguyên nhân ấy, các nhà khoa học của nước ta cũng đã “mon men” tới, sau khi tiêu tốn khá nhiều tiền của dân. Hội tụ trí tuệ là cuộc họp chiều 26/2/2013, có mặt nhiều nhà khoa học và quản lý, Tổng cục Thủy sản “công bố kết quả nghiên cứu bước đầu”. Vì “bước đầu” nên lòng vòng rào đón, sau đó kiến nghị là để cho có kết quả chắc chắn “nghiên cứu cần được tiếp tục”. Nghĩa là phải đầu tư thêm tiền của.

Ít bữa sau, nhóm nghiên cứu của GS Donal Lightner nói thẳng, tác nhân gây bệnh “là một dòng duy nhất của một loại vi khuẩn”. Cơ chế gây bệnh: Dòng vi khuẩn này khi bị nhiễm một loại virus đã tạo ra chất độc để chống lại, thế là diệt luôn con tôm.

Nghiên cứu còn chỉ rõ, dòng vi khuẩn truyền qua miệng con tôm, trú ngụ trong đường tiêu hoá và tạo ra độc tố phá huỷ hệ thống tiêu hoá, nạn nhân đầu tiên là gan tuỵ của tôm. Đặc biệt hơn, các nhà khoa học nước ngoài cũng xác định phải tiếp tục nghiên cứu, nhưng không phải đi tìm nguyên nhân như các nhà khoa học Việt Nam, mà phát triển các xét nghiệm chẩn đoán để phát hiện nhanh, từ đó đề ra quy trình quản lý trại giống và ao nuôi tôm tốt nhất.

2. Ở tỉnh Trà Vinh, gần đây dư luận chú ý đến một kết luận thanh tra hồi năm 2011, về những đề tài nghiên cứu khoa học ở Sở KH&CN. Trong đó, có đề tài “hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao” thực hiện ở ba xã, tốn gần 1,8 tỷ đồng. Dư luận chú ý vì đề tài nhiên cứu không đạt được kết quả gì quan trọng, chỉ tiêu tiền và gây thất thoát.

Theo thanh tra, mua lúa giống thì “xảy ra một số lúa giống không đạt tiêu chuẩn” nhưng ký đi ký lại hợp đồng để có chênh lệch hơn 66 triệu đồng. Mua túi nhựa PE, mua phân bón chế phẩm sinh học, hợp đồng vận chuyển, khâu nào cũng “thiếu minh bạch” tiền bạc. Chỉ vận chuyển 6 tấn lúa giống mà “gây thất thoát cho ngân sách nhà nước” 67% số tiền thanh toán ở khâu này.

Chủ đề tài là ông Nguyễn Văn Truyền, hồi đó làm PGĐ Sở KH&ĐT, nay làm Bí thư Đảng uỷ Khối doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh.

3. Luận án tiến sỹ cây trồng được bảo vệ thành công dạo tháng 1/2013 của ông Phạm Văn Linh, Phó viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ, vừa bị phát hiện copy và “xào nấu” số liệu của người khác.

Phó bí thư Đảng uỷ, Phó viện trưởng Lê Văn Vĩnh khẳng định với báo chí: “Qua kiểm tra, luận án tiến sỹ của ông Linh copy 100% số liệu. Nghiêm trọng hơn, ông Linh thay đổi nhiều số liệu, tự thêm giống vào các thí nghiệm. Nhiều số liệu copy của năm 2007-2008, được sửa thành năm 2010-2011, làm sai lệch hoàn toàn ý nghĩa khoa học”.

Ông Phạm Văn Linh thừa nhận: “Tôi có sử dụng, chỉnh sửa số liệu, xin tự kiểm điểm phê bình và rút kinh nghiệm”. Luận án tiến sỹ cây trồng như thế hiển nhiên không có giá trị khoa học, nhưng nếu nông dân không biết mà đem vận dụng vào sản xuất để rồi mất mùa thì có rút kinh nghiệm được không, khoa học nông nghiệp có phát triển được không?

Day dứt với người nông dân đeo đẳng đói nghèo nên càng day dứt với nền khoa học nông nghiệp nước nhà còn không ít mảng tối, chưa giúp được gì mấy để người nông dân thoát nghèo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.