Bì bõm

Bì bõm
TP - Đợt lụt lội lịch sử tại TPHCM vừa qua đang khiến nhiều công dân của thành phố này đặt câu hỏi về hiệu quả của các chương trình chống ngập được thực thi trong nhiều năm qua.

Đặc biệt, nếu là dân TPHCM hay là người quan tâm đến chuyện của thành phố này chắc đều hiểu chuyện chống ngập luôn nằm trong các hội nghị, sự kiện họp hành quan trọng của thành phố bao năm nay. Với dân thường, năm nào cũng nghe các dự án hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ đồng mà ngập vẫn hoàn ngập thì khó đòi hỏi họ thông cảm với các “điểm sáng” trong “bức tranh chống ngập” TPHCM, nơi nhiều lãnh đạo nhiều lần bày tỏ tham vọng biến nơi đây thành “thành phố đáng sống” nhất nhì Việt Nam.

Tuy nhiên, tạm gạt qua những bức xúc của người dân, vốn hai ngày qua phải bì bõm trong làn nước ngập để tự hỏi “phải đóng thuế bảo trì đường bộ nhưng lại được lưu thông trên đường thủy”, có lẽ nên đặt ra những vấn đề của TPHCM, của Biên Hòa sau cơn mưa lịch sử được nói là “mười năm có một”.

Thứ nhất là hiệu quả chống ngập của các dự án liên quan. Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, lý giải, mưa đã vượt quá sức chịu đựng của hệ thống kênh rạch, kênh thoát nước nên ngập là đương nhiên. Nhưng cống thoát nước do cơ quan chức năng lắp đặt chỉ chịu được lượng mưa 80-90mm trong vòng ba giờ mà liên tiếp xảy đến các cơn mưa với vũ lượng trên 100mm thì có thể đặt vấn đề, dường như cơ quan chống ngập đã không lường trước được tình hình. Tại Biên Hòa (Đồng Nai), liên tiếp trong tháng 9 xảy ra ba cơn mưa được nói là rất lớn, lớn nhất trong vòng nhiều năm qua và đều dẫn đến sự quá tải của hệ thống thoát nước. Tại Sài Gòn, cũng có liên tiếp hai cơn mưa làm quá tải hệ thống cống thoát lũ trong hai tuần đầu tháng 9. Phải chăng biến đổi khí hậu đã làm mọi dự kiến không còn chính xác?

Và nếu đúng là như vậy, TPHCM sẽ phải xử lý ra sao khi nhiều dự án chống ngập đã được triển khai mà chỉ vài hiện tượng khác thường đã tỏ ra lỗi thời? Bóc lên làm lại? Tiền đâu ra? Tốn kém, phụ trội ai chịu?

Nhân sự kiện này, lại thấy chuyện TPHCM xin được giữ lại gần 8.000 tỷ đồng thu ngân sách năm 2014 vượt dự toán để tái đầu tư là có lý riêng. Theo lý giải của lãnh đạo thành phố, các dự án chống ngập là một trong những trọng điểm đầu tư trong khi thành phố luôn trong tình trạng thiếu vốn cho đầu tư phát triển.

Những vấn đề vĩ mô ấy, lãnh đạo thành phố sẽ phải đặt ra, sẽ phải tìm phương án giải quyết. Nhưng có một chuyện mà người dân thành phố chưa biết tìm cửa nào mà kêu. Có người đặt vấn đề xe máy của 10 triệu dân TPHCM, bao nhiêu chiếc hỏng hóc, phải sửa chữa vì lụt lội, bao nhiêu ô tô bị thủy kích tiêu tốn cả trăm triệu mỗi xe... Và ai sẽ trả tiền đền bù cho người dân đây?

MỚI - NÓNG