Bi kịch không bất ngờ

Bi kịch không bất ngờ
TP - Nhận ra tác hại sát sườn, kể cả khi nằm trên giường bệnh, mạng sống bị đe dọa, nhưng người nghiện vẫn nói “khó bỏ rượu”. Trong khi đó, một số người có chuyên môn gần như không hiến được kế gì trước sự tràn lan của bia rượu vì “truyền thống uống rượu của chúng ta”!

> Rượu qua góc nhìn của người trong quân đội
> Rượu bia - Nỗi lo lớn nhất ở làng

Người đàn ông 30 tuổi, nghiện rượu (Nguyễn Đức Dũng - nhân vật trong bài “Những người tự hủy hoại đời mình và người thân”, in trong số báo này, trang 7) thú nhận tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai: “Rượu đã cướp đi nhiều thứ quý giá của cuộc đời em. Gia đình em ly tán, con gái không dám chơi với bố.

Giờ người em mang đầy bệnh tật, trước em bị xung huyết dạ dày, nôn không biết bao nhiêu là máu. Giờ em bị xơ gan, thi thoảng bụng lại trướng lên. Chân em cũng đi tập tễnh, vì say rượu em bị tai nạn xe máy gãy chân phải chốt đinh ở đầu gối từ năm 2008 nhưng giờ vẫn chưa lấy ra…”.

Hỏi “Vậy có bỏ rượu được không?”. Trả lời: “Thú thực, nhiều lần em cũng quyết tâm lắm nhưng được thời gian ngắn là đâu lại vào đấy. Chỉ cần có vài nghìn đồng trong tay là em đi mua rượu ngay”.

Vì sao vậy?

Trước khi trả lời câu hỏi này, xin lan man đôi chút về loại“thuốc độc” được xem nguy hiểm hơn rượu: ma túy! Việc loại bỏ ma túy, chúng ta ví như cuộc chiến. Cai nghiện ma túy chúng ta áp dụng nhiều biện pháp. Biết so sánh là khập khiễng, nhưng thử đem hậu quả của nghiện rượu so với nghiện ma túy, có lẽ khó đo đếm cái nào nặng hơn cái nào. Nhưng cái này thì đo được: Với ma túy chúng ta huy động mọi lực lượng để loại bỏ; còn rượu thì có mặt mọi lúc, mọi nơi..., gần như mặc kệ!

Trở lại chuyện người nghiện rượu. Bi kịch ở chỗ, anh ta biết cuộc đời mình bị hủy hoại, biết nguyên nhân của sự hủy hoại đó là do mình, nhưng vẫn không bỏ được việc “tự đổ rượu vào miệng mỗi ngày”.

PGS. TS Trần Hữu Bình, Trưởng phòng điều trị nghiện chất, nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, Phó Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần, ĐH Y Hà Nội, lý giải: “Người nghiện rượu bia thường thèm muốn một cách mãnh liệt. Khi bỏ thì xuất hiện hội chứng cai rượu. Hội chứng này xuất hiện một cách khủng khiếp, phát động toàn bộ hệ thống thần kinh thực vật và nội tạng, đưa người bệnh vào tình trạng khốn đốn, có bệnh nhân trở nên vật vã, vã mồ hôi, co giật và hôn mê, có người rối loạn hành vi, nhân cách và có thể giết người trong bối cảnh như thế”.

Bác sỹ Nguyễn Đàm Chính, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, thêm một nguyên nhân về việc khó bỏ rượu: “Rượu là thức uống quá phổ biến, rất dễ kiếm. Sau thời gian ngắn, người ta lại tái uống. Việt Nam có thói quen uống rượu lâu đời, lý do uống rượu thì vô vàn nên bảo một người không uống rượu có lẽ là hơi giáo điều…”.

Ngoài nguyên nhân chuyên môn, bác sỹ Chính đã chỉ ra được cốt lõi vấn đề, đó là “rượu quá phổ biến”. Đáng tiếc, ông không đưa ra được giải pháp nào ngoài lời khuyên là “cần uống rượu ở mức cho phép”, sau khi liệt kê một loại bệnh để cảnh báo.

Tan nát gia đình, tổn thất kinh tế, thảm họa giao thông…là những bi kịch không bất ngờ nếu có nguyên nhân từ rượu, bia. Thức uống có cồn đang bao vây cuộc sống chúng ta. Cần rút ra điều gì sau “danh hiệu” người Việt đứng thứ nhất Đông Nam Á, thứ hai châu Á về uống bia? Các nhà sản xuất có thể nở nụ cười với lợi nhuận khủng, nhưng nhiều gia đình lại rơi nước mắt, thậm chí rơi máu... vì những bi kịch lẽ ra có thể tránh được từ bia, rượu.

Kiểm soát chặt hơn nữa sự tràn lan của bia, rượu - bao giờ?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.