Biệt phủ và quan chức

TP - Ngày 27/6 vừa qua tổ công tác của Thanh tra Chính phủ đã đến tỉnh Yên Bái công bố quyết định thanh tra nội dung liên quan đến thông tin về tài sản, đất đai, biệt thự của gia đình ông Phạm Sỹ Quý (Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường).

Đây chỉ là một trong số hàng loạt biệt phủ của quan chức mà báo chí đề cập trong thời gian vừa qua. Nhìn nhận về biệt phủ của Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho rằng: Chúng ta mới chỉ nắm bắt được hiện tượng, chưa biết bản chất sự việc như thế nào thì chưa thể đưa ra đánh giá cụ thể được. Nếu trong trường hợp vợ ông Phạm Sỹ Quý làm ăn, kinh doanh nhiều năm, đổ mồ hôi, nước mắt mà có khối tài sản như vậy thì chúng ta nên ủng hộ khuyến khích; còn nếu tài sản do tham nhũng mà có thì phải xử lý nghiêm.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, những thông tin về tài sản của quan chức rộ lên vừa qua cho thấy đang có mâu thuẫn rất lớn giữa thu nhập từ lương và tài sản thực tế của cán bộ công chức. “Vấn đề tài sản, nhất là biệt phủ, xe sang của quan chức tỉnh này, tỉnh kia rộ lên trong thời gian qua, được người dân và dư luận đặc biệt quan tâm. Một câu hỏi đặt ra là: Với mức lương cán bộ còn khá thấp như hiện nay, làm sao quan chức cấp tỉnh lại có thể sở hữu những biệt phủ, dinh thự nguy nga, hoành tráng như vậy?”, đại biểu Lê Thanh Vân đặt vấn đề.

Cũng theo đại biểu Lê Thanh Vân, thực tế việc minh bạch, xác định tài sản giữa các thành viên trong gia đình quan chức rất khó. Bởi với quy định hiện nay người ta có thể chuyển tài sản từ người này sang người khác rất dễ dàng. Người làm Bí thư Tỉnh ủy có thể chuyển tên biệt phủ cho vợ, cho con. Vậy vì sao chỉ khi báo chí phát hiện, lên tiếng thì cơ quan chức năng mới vào cuộc làm rõ? “Những thủ đoạn đó, nếu kiểm tra có thể ra hết. Nhưng vấn đề là người làm công tác thanh tra, kiểm tra có thực sự công tâm, có vì lợi ích chung không? Bởi cũng có thể họ bị quỵ ngã trước cám dỗ, rồi tìm ra những quy trình hợp pháp để đưa ra kết luận “đúng quy trình”, ông Lê Thanh Vân khẳng định.

Trao đổi với PV Tiền Phong mới đây, bà Lê Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định: Kê khai tài sản là một trong các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhưng được đánh giá chưa hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc kiểm tra, giám sát chưa đầy đủ, chứ không phải chưa kiểm tra, giám sát.

Do đó, vừa rồi, UBKT T.Ư xây dựng quy định kiểm tra, giám sát tài sản, thu nhập của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định này đã được Bộ Chính trị chính thức ban hành vào ngày 23/5 vừa qua và có hiệu lực ngay tức thì. Bộ Chính trị quy định rõ, chủ thể kiểm tra đối với đối tượng này là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và UBKT T.Ư. Cũng theo bà Thủy, hiện có khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Với quyết tâm cao của Đảng, Chính phủ trong việc kiểm soát tài sản của cán bộ trung, cao cấp, hy vọng, hai chữ “biệt phủ” sẽ ít gắn với tên tuổi của quan chức, những người đang hưởng lương từ tiền thuế của dân.

MỚI - NÓNG