Bỏ ngỏ

Bỏ ngỏ
TP - Chỉ mới vài hôm trước, ngày 16/12, UBND TPHCM đã thống nhất chủ trương về danh mục các dự án ưu tiên sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, bao gồm các dự án thành phần thuộc dự án tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm

> Ngập lụt TPHCM: Không chống nổi thì ...sống chung
> Ai chịu trách nhiệm vỡ bờ bao?

kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với tổng giá trị đầu tư tương đương 666 triệu USD. 666 triệu USD,tức khoảng 13.320 tỷ đồng, không là một con số nhỏ. Theo ông Lê Hoàng Quân, chủ tịch UBND TPHCM, trong giai đoạn 2011 - 2013, thành phố đã đầu tư 8.178 tỷ đồng vào các chương trình chống ngập nước. Nhưng kết quả là gì: ngập vẫn hoàn ngập. Và mới đây, trong kỳ họp HĐND, người đứng đầu chính quyền TPHCM đã phải thừa nhận chống ngập triệt để là không thể. TPHCM, đô thị lớn nhất cả nước nay phải đối mặt với một viễn cảnh: phải học cách sống chung với lụt, với triều cường.

Thực ra đối với người dân nhiều khu vực như quận 8, Thủ Đức, quận 4, quận 11, quận Bình Thạnh, Bình Tân… chuyện sống chung và học cách sống chung, khắc chế lụt lội, triều cường đã thành cơm bữa. “Riết rồi cũng phải quen”, như người Sài Gòn hay nói vậy. Nhưng điều khác là bấy nay dù cứ triều cường là ngập, là phải đằm mình cùng nước cống nhưng người dân vẫn hy vọng một ngày chính quyền sẽ xử lý hết ngập lụt. Bởi đọc báo nghe đài năm nào cũng thấy đầu tư cho chống ngập, chỗ này khởi công, chỗ kia khởi động. Nay thì niềm hy vọng ấy càng mong manh hơn bao giờ hết khi chính quyền đã tuyên bố không thể chống nổi triều cường. Đó là thực tế.

Trước khi chính quyền quan tâm và cùng lo toan, cùng “sống chung” với ngập lụt thì người dân đã luôn phải sẵn sàng với điều đó. Trong bao năm nay, một số người dân cho dù đang cõng con đằm mình trong mưa, bất lực nhìn chiếc xe máy của gia đình cam chịu trong dòng nước vì ngập hết cả bánh xe, nhưng vẫn thương cảm, quý mến những anh công an phường, anh trật tự viên cũng đằm mình trong nước hỗ trợ người dân.

Nhưng thực tế chuyện ngập lụt ở TPHCM đang đặt ra câu hỏi: Liệu hàng đống tiền đầu tư cho các chương trình chống ngập đã đi sai hướng? Và phải chăng, lẽ ra phải đầu tư cho việc sống chung với ngập thay vì chống (không nổi)? Sắp tới, nếu đã không chống triệt để được ngập lụt thì công tác này phải được điều chỉnh như thế nào, theo những hướng nào và chính quyền sẽ phải làm những gì để cùng người dân sống chung với ngập lụt, với triều cường? Chính quyền thành phố sớm có câu trả lời, để người dân yên tâm và chủ động mỗi mùa nước lên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG