Bơi sau bão

Bơi sau bão
TP - Không phải ngẫu nhiên mà mức tăng GDP năm nay được đề ra ở con số 6,5%, cao hơn 1,2% so với năm 2009. Khá nhiều người đang nghĩ đến một kịch bản kinh tế khả quan của Việt Nam năm 2010. Nhưng vẫn còn không ít khó khăn chờ đợi…

Gói kích thích kinh tế đã góp phần không nhỏ đưa kinh tế VN vượt qua tâm bão đầu năm và dần hồi phục vào cuối năm.

Nhưng cũng như bao liều thuốc khác, tác dụng phụ thường đi kèm. Ngay sau khi Chính phủ quyết định dừng hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chới với và lâm vào khó khăn thực sự.

Ngay cả các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán có lợi nhuận không nhỏ do chi phí vay vốn thấp cũng đang đối mặt với nguồn chi tăng cao. Mấy tháng tới đây khi mà hàng loạt chính sách hỗ trợ DN như giãn, miễn, giảm…, hàng loạt loại thuế, phí như năm 2009 không còn, liệu sẽ có bao nhiêu DN trụ vững?!

Sau một năm được dìu qua bão, giờ đây sóng tuy đã bớt nhưng phải tự bơi, có lẽ không ít DN sẽ phải gồng mình chống chọi. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam hồi phục thì không cớ gì kinh tế nhiều nước không ấm dần lên và cạnh tranh sẽ rất khốc liệt sau những cơn địa chấn vừa qua.

Trong bối cảnh vừa phải buông phao vừa phải đua với rất nhiều tay bơi giỏi từ khắp thế giới, chắc chắn DN Việt Nam sẽ phải nỗ lực không kém gì năm 2009.

TS Vũ Thành Tự Anh tỏ ra lo ngại về thâm hụt cán cân thanh toán ngày càng tăng, gây sức ép giảm giá VND và làm giảm dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó thì dấu hiệu người dân và DN đã và đang chuyển sang nắm giữ USD và vàng chưa chấm dứt. Song song là  nguy cơ CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng trở lại vào quý II năm 2010 do tốc độ tăng cung tiền và tín dụng của Việt Nam trong năm 2009 lên tới trên dưới 40% là mức rất cao.

Thông thường, như người ốm vừa qua cơn bạo bệnh, nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ ngốn khá nhiều tiền bạc, vật lực và kèm theo là chính sách bảo hộ của mỗi nước. Lợi thì có lợi nhưng ăn quá nhiều và thiếu kiểm soát, nguy cơ lạm phát, tăng trưởng thiếu bền vững, chạy theo con số sẽ đem đến nhiều di chứng.

Cùng với tâm lý thích lướt sóng với những bài học khó lường và đầy rủi ro như TTCK, vàng, bất động sản, tỷ giá… thì kinh tế Việt Nam 2010 sẽ luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Sau suy thoái kinh tế vừa qua, tăng trưởng GDP đang được cân nhắc với  thước đo mức độ hài lòng với cuộc sống của người dân. Có lẽ con số tăng trưởng GDP giờ đây không còn là mục tiêu tối thượng so với phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, ổn định vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát.

Nếu không còn quá chú trọng vào đà tăng của GDP và chấp nhận một năm đệm để DN, kinh tế Việt Nam hướng tới tương lai lâu dài hơn, có lẽ những khó khăn vừa nêu ra sẽ có cơ sở để giải quyết.  

MỚI - NÓNG