Bốn bộ "chạy theo" giá sữa

Bốn bộ "chạy theo" giá sữa
TP - Với cách thức quản lý như hiện nay, cả bốn bộ Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Y tế đều chỉ chạy theo giá sữa một cách bị động mà không tài nào bắt được nó!

>> Vì sao sữa bột ngoại ở VN đắt nhất thế giới?

Bốn bộ "chạy theo" giá sữa ảnh 1
Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ

Bài toán giá sữa cao ngất ngưởng tại Việt Nam vẫn chưa có lời giải. Sau kiến nghị tăng thuế bất thành hồi đầu năm 2009 của Bộ NN&PTNT, mới đây, đến lượt Bộ Tài chính tham vấn các bộ, ngành liên quan về thuế nhập khẩu sữa.

Hai phương án mà Bộ Tài chính đưa ra thực chất gộp bốn loại sữa bột thành hai loại, còn các mức thuế suất hầu như giữ nguyên. Động thái này của Bộ Tài chính gây cảm giác khó hiểu trong bối cảnh thị trường sữa đang nhạy cảm hiện nay.

Công văn xin ý kiến của Bộ Tài chính có thể là cái cớ để các doanh nghiệp tăng giá sữa.

Bộ NN&PTNT thì vừa có phản hồi khẳng định, những điều xin ý kiến của Bộ Tài chính là “không có gì mới” và bộ này vẫn bảo lưu quan điểm của mình như hồi đầu năm.

Rõ ràng, các cơ quan quản lý nhà nước đang chưa có sự đồng thuận về biện pháp can thiệp vào thị trường sữa.

Bộ Tài chính khẳng định, điều quan trọng là bình ổn được thị trường chứ không phải là nguồn thu từ thuế nhập khẩu sữa. Nhưng có lẽ, do không còn công cụ nào khác nên vấn đề thuế sữa lại được đưa ra xin ý kiến lần nữa.

Bộ NN&PTNT không đồng tình và cho rằng, tăng thuế nhập khẩu sữa thì mỗi năm ngân sách sẽ có 40 - 50 triệu USD để đầu tư phát triển đàn bò, tiến tới chủ động 40 phần trăm nguyên liệu sản xuất sữa trong nước. Khi đó, sản phẩm sữa nội có thể là đối trọng để các hãng sữa ngoại không thể tăng giá bất hợp lý.

Ngoài ra, số tiền này còn được dùng để xây dựng chương trình sữa học đường, hỗ trợ học sinh những vùng khó khăn được tiếp cận với nguồn dinh dưỡng này.

Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, một bộ quan trọng khác chưa được xin ý kiến là Bộ Y tế.

Thực tế, các biện pháp kiểm soát trực tiếp giá sữa thời gian qua của các cơ quan quản lý đã không thu được hiệu quả. Kết quả một số cuộc thanh tra giá sữa rơi vào im lặng.

Mặc dù phát hiện ra sự chênh lệch giá sữa giữa Việt Nam và thế giới, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cũng chỉ nói sẽ nghiên cứu, chứ chưa đưa ra được biện pháp nào để ngăn chặn các hãng sữa móc túi người tiêu dùng Việt Nam.  

Trao đổi với Tiền Phong mới đây, ông Raf Somers, Cố vấn trưởng Dự án Bò sữa Việt - Bỉ, cho rằng, vai trò của Bộ Y tế là hết sức quan trọng để bình ổn thị trường sữa. Việt Nam hiện chưa có quy chuẩn về tỷ lệ các chất bổ sung vi lượng DHA, ARA trong sữa. Chính vì vậy, các hãng sữa nước ngoài thả sức quảng cáo về tỷ lệ những chất bổ sung này trong sản phẩm của họ.

Các phòng thí nghiệm Việt Nam thì chưa có khả năng kiểm định những vi chất này, dẫn đến không thể xác định sữa nào tốt hơn sữa nào.

Do vậy, điều quan trọng là phải giám sát được chất lượng sữa thì mới bình ổn được thị trường. Chứ với cách thức quản lý như hiện nay, cả bốn bộ Tài chính, Công Thương, NN&PTNT và Y tế đều chỉ chạy theo giá sữa một cách bị động mà không tài nào bắt được nó! 

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.