Cách nào cho họ ... “xuống”

Cách nào cho họ ... “xuống”
TP - Trả lời phỏng vấn báo chí, Thường trực Ban chỉ đạo TW 6 (lần 2) Vũ Quốc Hùng cho rằng, phải có cơ chế giám sát quyền lực. Cấp dưới hư hỏng, cấp trên phải từ chức chứ không thể im lặng, vô can.

Tại sao người ta lại cứ bấu víu vào cái ghế của mình cho dù tự biết rằng cả về năng lực và đạo đức không còn xứng đáng? Tại sao có những quan chức bất chấp dư luận, bất chấp mọi ý kiến, dù sai phạm rành rành vẫn “kiên trì” bám trụ?

Và không loại trừ nhiều trường hợp đã bám trụ được, thậm chí được mệnh danh là “vua trụ hạng”, cho dù điều tiếng nặng nề và thực tế không còn đủ uy tín để làm việc.

Chúng ta có cả một quy trình hoàn chỉnh, để đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Người được bổ nhiệm phải trải qua rất nhiều thủ tục với cả chục chữ kí bảo đảm, mà chữ kí nào cũng “nặng đồng cân” cả.

Thế nhưng, tại sao chúng ta vẫn để lọt những cán bộ yếu năng lực, kém đạo đức vào bộ máy Nhà nước để rồi khi họ không đảm đương nổi trọng trách, xảy ra bao chuyện lình xình, bê bối, lại loay hoay không biết làm cách nào cho họ “xuống”?

Cơ chế có thể làm con người hoàn thiện nhưng cũng có thể làm hư hỏng con người. Một cán bộ được đặt đúng vị trí được giám sát chặt chẽ bởi tổ chức đảng và quần chúng sẽ phải luôn có ý thức rèn luyện, làm tốt công việc được giao.

Mỗi việc làm được có cả trăm con mắt ghi nhận, ngợi khen; mỗi việc làm sai, có cả tập thể, cấp trên nhắc nhở, phê bình... Chắc chắn, cán bộ ấy sẽ ngày càng trưởng thành hơn, vững vàng hơn trên cương vị của mình.

Chắc chắn, ngay cả khi không bị ai nhắc nhở, họ vẫn ý thức được phẩm chất của mình bởi sự giám sát của danh dự, lương tâm: Không thể làm gì xấu để phụ lòng tin cậy của tập thể.

Nhưng đáng buồn là nhiều nơi vẫn tồn tại cơ chế quản lý lỏng lẻo, phê và tự phê hình thức, hời hợt, trao quyền mà thiếu giám sát, dẫn đến những “trung tâm tiêu cực” như PMU18 và nhiều những “trung tâm” như thế chưa được phát giác.

Liệu có thể yên tâm khi cán bộ được giao quá nhiều quyền lực để rồi có thể tùy nghi ban phát cho “cánh hẩu”, “sân sau”, tự tung tự tác? Cán bộ kém phẩm chất ở cương vị thấp đã sai phạm không được xử lí, lúc lên cao hơn sai phạm càng lớn hơn, gây hậu quả tai hại hơn.

Cán bộ nhân thân tốt nhưng ngồi vào cái ghế không được giám sát, đến lúc nào đó cũng khó tránh được vòng xoáy cám dỗ: lạm quyền, trục lợi, sa đọa...

Một cơ chế tổ chức cán bộ mà người ta chỉ cố phấn đấu rèn luyện khi chưa được trao trọng trách, còn khi đã ngồi trên cái ghế ấy rồi thì yên tâm không ai “sờ” đến nữa. Cơ chế ấy nếu làm hư hỏng nhiều cán bộ hơn, nghiêm trọng hơn vụ PMU18 thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Nói cho công bằng, không phải chúng ta thiếu cơ chế giám sát mà cái chính là cơ chế giám sát được xây dựng rất hình thức, hời hợt. Tinh thần phê bình và tự phê bình không phát huy được tác dụng cần thiết mà còn bị “vận dụng”, biến thành bình phong để khi cần có thể đẩy trách nhiệm sang cho tập thể.

Cái cơ chế làm tê liệt ý thức đấu tranh, tê liệt ý thức rèn luyện thường xuyên chắc chắn sẽ còn làm nảy sinh những ung nhọt nhức nhối! Bài học thấm thía về công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng từ vụ PMU 18 có liên quan đến những quan chức cấp cao ở Bộ GTVT chính là chỗ đó!

MỚI - NÓNG