Cái đích của đổi mới

Cái đích của đổi mới
TP - Bộ GD&ĐT vừa trình làng 3 phương án cho việc gộp hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học làm một, qua đó sẽ lấy ý kiến nhân dân và chính thức công bố phương án được chọn ngay trước thềm khai giảng năm học mới vào tháng 9 này.

Cái lợi của việc gộp từ hai thành một hẳn rất dễ thấy. Trước hết là giảm tốn kém cho gia đình các thí sinh và cho cả xã hội, giảm được cả sự ồn ào không cần thiết trước và sau mỗi kỳ thi.


Một khi thi cử hợp lý đi vào nền nếp, báo chí lẫn dư luận xã hội cũng sẽ coi thi cử là chuyện bình thường, là việc “đến hẹn lại lên” của ngành giáo dục, khỏi cần quan tâm quá mức, khỏi cần “tiếp sức” lẫn “giải đề”. 

Học ở đâu thi ở đấy, sẽ hết cảnh sĩ tử nườm nượp lai kinh ứng thí, hết cả cảnh tắc đường, hết cảnh “tình nguyện mùa thi” để màu áo xanh đi làm việc khác có ích hơn cho xã hội. Và nhất là bớt khổ cho các gia đình nghèo khó nhưng hiếu học, sẽ không còn cảnh hai cha con lếch thếch với vốn liếng chỉ mỗi lồng chim sáo lặn lội từ miền núi xuống thủ đô dự thi như năm nay. 

Các thí sinh cũng hết cảnh phải chăm chăm đăng ký nguyện vọng trước khi thi như mọi khi. Nay họ sẽ được quyền chọn trường bằng chính kết quả thi của mình. Hết cảnh hồ sơ ảo, hết tỷ lệ chọi đầy áp lực trước khi thi.

Song cái lợi lớn nhất của việc gộp hai kỳ thi làm một lại không phải nằm ở những điều kể trên. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định : “Đổi mới thi là khâu đột phá nhưng không thể tách rời việc thiết kế lại chương trình, SGK trên cơ sở hệ thống”. 

Theo Phó Thủ tướng, về lâu dài đổi mới thi cử phải gắn với chương trình mới. Như vậy, cái đích của đổi mới thi cử là nội dung chứ không phải hình thức, là làm sao đánh giá đúng chất lượng và năng lực học sinh, chọn lựa đúng thí sinh cần chọn. Qua đó nâng cao chất lượng cả nền giáo dục nước nhà, tạo ra những thế hệ công dân mới có kỹ năng và trí tuệ ngày càng cao, đủ đức tài để chấn hưng đất nước.

Tại Hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới ngày 29/7 của Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ : Theo ngân hàng Thế giới, trong 21 năm qua Việt Nam tăng trưởng 5,7%, cao thứ hai thế giới. Để đi theo quỹ đạo về mặt kinh tế của Hàn Quốc hay Đài Loan thì trong vòng 20 năm tới Việt Nam phải tăng trưởng trung bình 9%, còn nếu chỉ tăng trưởng ở mức 5-6% thậm chí 7%/năm thì chúng ta sẽ đi theo quỹ đạo của Philippines, Indonesia, Ai Cập. 

Do vậy, tương lai của dân tộc sau 2 thập kỷ nữa, không đâu khác phụ thuộc vào chính nền giáo dục nước nhà, vào chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. Gộp hai kỳ thi làm một, suy cho cùng mới chỉ là bước khởi đầu cho một khát vọng lớn của dân tộc.

MỚI - NÓNG