Cám ơn khủng hoảng

Cám ơn khủng hoảng
TP - 2013 được đánh giá là năm kinh tế Việt Nam chạm đáy khủng hoảng và kết quả là có hơn 60.000 doanh nghiệp (DN) phải ngừng hoạt động hoặc giải thể, tăng gần 12% so với 2012.

Còn DN thành lập mới tuy có tăng về số lượng đôi chút, nhưng đa phần quy mô nhỏ, khi tổng số vốn đăng ký giảm tới 10% so với năm trước. Bình quân mỗi DN chỉ có vốn khoảng 5 tỷ đồng (thấp nhất từ năm 2007 tới nay). 

Cũng chưa năm nào người ta phải cười mếu khi 7 ngân hàng giành nhau siết nợ một lô cà phê của DN, rồi ngân hàng đem tiền tới mời mà DN không dám vay, để rồi ngân hàng phải đem tiền mua trái phiếu…

Chưa bao giờ người ta thấy một cuộc thanh lọc DN mạnh mẽ như năm qua. Những DN đầu tư theo phong trào, chộp giật, yếu kém, thiếu bền vững, chậm đổi mới dần dần phải rời khỏi thị trường. Và cũng chưa bao giờ người dân được nghe nhiều tới vậy những: Đổi mới DN, tái cơ cấu DN, tái cơ cấu đầu tư… 

Trong khó khăn, một cuộc chuyển dịch đầu tư đã diễn ra. Những lĩnh vực lâu nay được xem là hái ra tiền, một vốn bốn lời, như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, xây dựng, bất động sản… mất dần sức hấp dẫn, nếu không muốn nói là lĩnh vực đầu tư mạo hiểm lúc này.

Vì thế, không ngạc nhiên khi những lĩnh vực này đứng đầu danh sách về giảm DN thành lập mới, trong khi số lượng ngừng hoạt động hoặc giải thể tăng mạnh.

Chắc hẳn nhiều người sẽ đồng tình với ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “Trong sự thất bại, đổ vỡ, rõ ràng DN Việt đã trưởng thành hơn”.

Và có lẽ, người ta cũng phải cám ơn khủng hoảng, khi DN Việt trở về đúng nghĩa với kinh doanh. Tức là tạo sản phẩm tiêu dùng, thêm công văn việc làm, hướng tới cộng đồng. Nhờ có khủng hoảng, người ta mới biết đâu là giá trị đích thực. Cái thời, đại gia kiếm tiền dễ như trở bàn tay, rình ràng lên Mercedes, xuống Roll-royce nay còn đâu (vì ngân hàng siết nợ mất rồi).

Một tín hiệu đáng mừng nữa của khó khăn, đó là sự vươn lên mạnh mẽ của những vùng trước đây được xem là khó khăn, ít nhận được quan tâm đầu tư, như: Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Qua đấy mới thấy rằng, khó khăn chưa hẳn đã là xấu. Thậm chí, đây chính là cơ hội tốt để sắp xếp lại sản xuất, cải tổ nền kinh tế vốn tồn tại nhiều vấn đề mà khi đang tăng trưởng nóng người ta không nhận ra.

MỚI - NÓNG
Nữ thủ khoa tốt nghiệp sớm loại xuất sắc
Nữ thủ khoa tốt nghiệp sớm loại xuất sắc
TPO - Cùng với điểm GPA 3.79/4.00, xếp loại tốt nghiệp Xuất sắc và nhiều thành tích nổi bật, Lê Thị Bích Đào, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại đã trở thành tân thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn. Nữ thủ khoa còn gây ấn tượng khi hoàn thành chương trình học chỉ trong 3,5 năm, tốt nghiệp sớm hơn so với các bạn sinh viên cùng khóa.